Ngân khố quốc gia Nigeria thất thoát 450 tỷ Naira

Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 06:10, 08/12/2016

(BKTO) - Sau khi phát hiện khoản thất thoát 450 tỷNaira (1,42 tỷ USD) trong ngân khố quốc gia, Bộ Tài chính Nigeria đã quyết địnhthành lập một Ủy ban đặc biệt để tiến hành điều tra và kiểm toán toàn bộ hồ sơtài chính của các cơ quan, tổng công ty trực thuộc sự quản lý của Chính phủliên bang có dấu hiệu sai phạm.


Ủy ban Truyền thông Nigeria, Cục Quản lý cảng Nigeria và Ủy ban các vấn đề về DN là 3 cơ quan đứng đầu danh sách kiểm toán của Chính phủ liên bang. Ngoài ra, một số cơ quan chịu sự kiểm toán tài chính của Bộ Tài chính bao gồm: Ủy ban Hàng hải Nigeria, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Nigeria, Cục Hàng không Nigeria, Đại học Mở quốc gia Nigeria, Tổng Công ty Đường sắt Nigeria, Ủy ban Khảo thí Tây Phi, Bệnh viện Abuja…

Theo thông báo của bà Kemi Adeosun - Bộ Trưởng Bộ Tài chính - trong cuộc họp báo cuối tháng 11 tại thành phố Abuja (thủ đô Nigeria), Chính phủ liên bang sẽ thu hồi 450 tỷ Naira thặng dư hoạt động mà 33 cơ quan tạo ra doanh thu này đã không hoàn trả vào NSNN trong giai đoạn từ 2010-2015.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nigeria Kemi Adeosun.Ảnh: ST

Bà Kemi Adeosun cho biết, cuộc kiểm toán được tiến hành theo Luật Trách nhiệm tài chính 2007 của Nigeria và Bộ đã thành lập một Ủy ban Kiểm toán do Tổng Kế toán Ahmed Idris - Văn phòng Tổng Kế toán (Bộ Tài chính) là người đứng đầu. Cuộc kiểm toán đã xem xét hồ sơ hoạt động của 33 trong số 200 cơ quan Chính phủ trong giai đoạn 2010-2015 với nỗ lực nhằm khôi phục các khoản ngân sách mất mát. Qua đó đã phát hiện nhiều đơn vị hoạt động với ngân sách chưa được thông qua, một số khác không tuân thủ ngân sách được duyệt, hay nhiều khoản thu không được báo cáo hoặc báo cáo thiếu, một số đơn vị thậm chí không đệ trình Báo cáo tài chính đã được kiểm toán, gian lận về biên chế và chi trả lương vượt mức quy định. Ủy ban Kiểm toán của Bộ đã chỉ trích những vấn đề này bắt nguồn từ biện pháp kiểm soát nội bộ và quản lý tài chính yếu kém.

Bộ Trưởng Bộ Tài chính cho biết, bản Báo cáo kiểm toán kèm theo một số Báo cáo tài chính đã được gửi lên Ủy ban Tội phạm kinh tế và tài chính (EFCC) của Chính phủ liên bang Nigeria để điều tra thêm. Bộ sẽ không yêu cầu ngừng hoạt động của bất kỳ cơ quan nào song sẽ cấu thành các hình phạt tài chính đối với các cơ quan gian lận.

Bộ Tài chính đã yêu cầu các cơ quan bị cáo buộc gian lận phải nộp lên Bộ bản kế hoạch đề xuất cách thức hoàn trả tiền. Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang xem xét Tài khoản Kho bạc duy nhất (TSA) để tìm hiểu xem các cơ quan này thực tế có bao nhiêu tiền và số dư nhàn rỗi hiện tại là bao nhiêu. Được biết, TSA được xem là một công cụ tập trung hóa số dư nhàn rỗi tại các tài khoản ngân hàng của Chính phủ nhằm cải thiện các hệ thống thu chi ngân quỹ và kiểm soát chi tiêu công.

Ngày 22/11, Chính phủ đã ban hành Thông tư yêu cầu các đơn vị phải nộp hồ sơ ước tính doanh thu và chi phí trong 3 năm tài chính kế tiếp, ngân sách và thặng dư hoạt động dự kiến để Quốc hội xem xét và thông qua. Đối tượng áp dụng của Thông tư này đã được bổ sung thêm 92 tổng công ty nhà nước, cơ quan và công ty chịu sự quản lý của Chính phủ Nigeria. Nếu các đơn vị này không được Quốc hội thông qua ngân sách, thì sẽ không có quyền thực hiện bất kỳ khoản chi nào và mọi khoản chi tiêu công phải nằm trong sự kiểm soát của Chính phủ liên bang.

Sau cuộc kiểm toán đặc biệt này của Bộ Tài chính, nhiều cơ quan Chính phủ và tổng công ty nhà nước đã thực hiện việc hoàn trả các khoản tiền gian lận, trong đó có Ủy ban Hàng Hải Nigeria đã hoàn trả 640 triệu Naira hồi tuần trước. Được biệt số tiền 450 tỷ Naira chưa được hoàn trả liên quan đến hoạt động của 33 cơ quan tạo ra doanh thu của Chính phủ liên bang trong giai đoạn tài khóa 2010-2015 phát sinh dưới thời của Tổng thống tiền nhiệm Goodluck Jonathan. EFCC cho biết, sẽ làm rõ trách nhiệm của những cán bộ có liên quan, đặc biệt tập trung điều tra những người đứng đầu, thư ký và kế toán trưởng tại các đơn vị này, vì đây là những người chịu trách nhiệm trước tiên về tài chính của tổ chức.
NGỌC QUỲNH
(Theo: Vanguard và Guardian)