Cần phải làm gần 4.000 km đường bộ cao tốc mới trong 10 năm tới

Kinh tế - Ngày đăng : 09:46, 03/06/2021

(BKTO) - Đó là yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra đối với ngành giao thông vận tải và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan trong giai đoạn 2021-2030.


                
   

Địa phương mong muốn có đường cao tốc thì phải chủ động vào cuộc.
   Ảnh: Internet

   

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

Vốn ngân sách chỉ mang tính khơi nguồn, vốn xã hội hóa là quyết định

Thông báo nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự chuẩn bị của Bộ Giao thông vận tải, trong thời gian ngắn đã rất nỗ lực xây dựng Dự thảo Tờ trình, Báo cáo, cơ bản đáp ứng quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong 20 năm qua, Việt Nam chỉ làm được gần 1.200 km đường bộ cao tốc. Do vậy, Thủ tướng yêu cầu trong 10 năm tới (2021-2030), nước ta cần phải làm gần 4.000 km đường bộ cao tốc mới. Các Bộ, ngành, địa phương, nhân dân, ngân hàng và cả hệ thống chính trị đều phải cùng vào cuộc.

Với nhiệm vụ được giao, NSNN cân đối tối đa cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu vốn. Do vậy, phải huy động tất cả các nguồn lực khác, cả trong và ngoài nước. Vốn ngân sách Trung ương chỉ mang tính khơi nguồn, vốn xã hội hóa là quyết định; đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là chính.

Kế hoạch đầu tư cần hợp lý giữa các vùng, miền, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, những vùng động lực; phải có trọng tâm, trọng điểm (tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, các tuyến vành đai của TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) và lộ trình phù hợp để phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư.

Phải đổi mới tư duy quản lý, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp đầu tư cho các địa phương. Địa phương mong muốn có đường cao tốc thì phải chủ động vào cuộc, chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng. Giao các địa phương là cơ quan có thẩm quyền. Chính phủ hỗ trợ một phần chi phí xây lắp và có chính sách linh hoạt đối với các địa phương khó khăn.

Cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm. Tất cả phải vì dân, vì nước, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết.

Xác định rõ nhu cầu đầu tư và thứ tự ưu tiên

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phương hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 phải xác định rõ nhu cầu đầu tư đường cao tốc; bám sát các điều kiện thực tế, cũng như các khó khăn vướng mắc... để từ đó xác định đúng tình hình, có bước đi phù hợp.

Mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (toàn quốc có khoảng 3.000 km), đến năm 2030 có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc; bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, tiết kiệm, chống tiêu cực, tham nhũng...

Xác định rõ thứ tự ưu tiên để lựa chọn các dự án cấp bách triển khai trước, mục tiêu phấn đấu hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía đông vào thời điểm thích hợp, đề xuất giải pháp huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện (trong đó phân cấp, chia sẻ trách nhiệm của địa phương; đề xuất cơ chế, chính sách để thực hiện mục tiêu, trên cơ sở đúng thẩm quyền của từng cấp...).

Báo cáo thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 phải thể hiện rõ công tác tổ chức thực hiện để đạt được mục tiêu như: Nâng cao trách nhiệm từng cấp và hệ thống chính trị trong công tác đầu tư xây dựng, từ công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, thực hiện đầu tư; thống nhất tư tưởng, hành động kịp thời, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm...

Đẩy mạnh công tác truyền thông về chủ trương triển khai (trong đó có các cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư...) và công tác tổ chức thực hiện, trên tinh thần công khai, minh bạch, hiệu quả, tạo niềm tin trong dư luận và người dân.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện, làm sâu sắc thêm nội dung Dự thảo Báo cáo, Tờ trình Bộ Chính trị về việc thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 theo phương thức cả gói. Mức hỗ trợ tổng thể của Nhà nước không quá 50% theo đúng Luật PPP nhưng giao Chính phủ quyết định điều hành linh hoạt từng dự án cụ thể. Một số vướng mắc, trong thời gian chưa sửa luật thì xin cơ chế đặc thù bằng một Nghị quyết của Quốc hội./.
HỒNG NHUNG