Nhật Bản đánh giá cao các điều dưỡng, hộ lý Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 21:13, 03/06/2021

(BKTO) - Đây là thông tin được Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho biết tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) Đào Ngọc Dung, ngày 2/6.


Thông qua buổi làm việc, hai bên đã trao đổi nhằm tăng cường hợp tác về lĩnh vực lao động, phát triển nguồn nhân lực hai nước Việt Nam và Nhật Bản.
                
   

Quang cảnh buổi làm việc

   

Chia sẻ các chương trình hợp tác về lao động giữa Nhật Bản với Việt Nam, Đại sứ Yamada Takio cho biết, các điều dưỡng, hộ lý Việt Nam được phái cử theo Chương trình Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) Nhật Bản - Việt Nam được phía Nhật Bản đánh giá cao, đạt tỷ lệ thi đỗ cao tại Nhật Bản. Chương trình Kỹ năng đặc định tiếp nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng được đánh giá thành công. Thời gian tới Nhật Bản có kế hoạch tiếp nhận nhân lực theo Chương trình Kỹ năng đặc định ngành hộ lý, công nghệ thông tin…

Chương trình thực tập kỹ năng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế Nhật Bản. Tuy nhiên theo Đại sứ, chương trình này đang tồn tại vấn đề là nhiều doanh nghiệp tái cử kém chất lượng, thu phí cao, tạo gánh nặng cho các thực tập sinh trước khi sang làm việc tại Nhật Bản. Đại sứ đề xuất, cần tăng cường các biện pháp quản lý các đối tượng tham gia các chương trình, xử lý nghiêm các cơ quan phái cử có tỷ lệ thực tập sinh bỏ trốn cao; tăng cường kiểm tra, giám sát các đoàn thể quản lý…

Thông tin về các chương trình hợp tác chung giữa Việt Nam – Nhật Bản, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, lĩnh vực lao động và phát triển nguồn nhân lực là lĩnh vực quan trọng, nhất là trong bối cảnh già hóa dân số và dịch bệnh hiện nay. Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam cảm ơn Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam trong việc hỗ trợ vắc xin và y tế trong công cuộc đẩy lùi dịch Covid-19.
                
   

Nhật Bản đánh giá cao các điều dưỡng, hộ lý Việt Nam được phái cử theo Chương trình EPA Nhật Bản-Việt Nam. Trong ảnh, các thực tập sinh điều dưỡng tại Công ty Vilaco đang thực tập theo chương trình đào tạo trước khi sang Nhật. Ảnh: Vilaco

   

Bộ trưởng thống nhất cao với đề xuất của Nhật Bản cùng bắt tay tháo gỡ các khó khăn liên quan đến các chính sách cho lao động Nhật Bản làm việc tại Việt Nam. Liên quan đến các thực tập sinh đang làm việc tại Nhật Bản, Bộ trưởng đề nghị Đại sứ và phía Nhật Bản tiếp tục quan tâm chăm lo cho người lao động Việt Nam tại Nhật Bản, tạo điều kiện tối đa để người lao động được yên tâm ở lại làm việc tại các cơ sở sản xuất của Nhật Bản.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ Nhật Bản sớm mở lại thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc. Chính phủ hai nước sẽ bàn các biện pháp chống dịch để đảm bảo sức khỏe và điều kiện làm việc cho các lao động.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị ngài Đại sứ quan tâm đến việc tiếp nhận các thực tập viên Việt Nam đã học xong chương trình đào tạo nhưng do dịch Covid-19 chưa sang được Nhật Bản (khoảng 30.000 người). Trong năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, số lượng lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản là 39.000 người, chỉ đạt 47% kế hoạch dự kiến.

Thông tin thêm với Đại sứ, Bộ trưởng cho biết, tới đây, Việt Nam sẽ có Luật Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Bộ trưởng tán thành việc siết chặt quản lý và xử lý nghiêm các DN vi phạm nguyên tắc. Bộ trưởng giao Cục Quản lý lao động ngoài nước nghiên cứu xây dựng quy định liên quan đến việc tước quyền phái cử lao động đối với các DN có số người lao động nước ngoài vi phạm quy định, người nước ngoài bỏ trốn hay các địa phương có tỷ lệ lao động trốn cao…
PHỐ HIẾN