Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc bầu các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân

Chính trị - Ngày đăng : 09:55, 04/06/2021

(BKTO) - Tại Hướng dẫn số 883/HD-UBTVQH14 về việc tổ chức Kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có hướng dẫn cụ thể về việc bầu các chức danh thuộc thẩm quyền của HĐND, tại Kỳ họp thứ nhất.


Theo đó, để tiến hành bầu các chức danh thuộc thẩm quyền của HĐND, Chủ tọa kỳ họp giới thiệu nhân sự để HĐND bầu ban kiểm phiếu. Trong đó, HĐND cấp tỉnh bầu Ban kiểm phiếu có ít nhất là 07 thành viên; cấp huyện có ít nhất là 05 thành viên và cấp xã có ít nhất là 03 thành viên.

Ban kiểm phiếu gồm Trưởng ban, Thư ký và các Ủy viên là đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 – 2026. Ban kiểm phiếu được bầu một lần và thực hiện việc kiểm phiếu trong tất cả các lần bỏ phiếu kín tại kỳ họp HĐND.

Người có tên trong danh sách để HĐND bầu không được làm thành viên Ban kiểm phiếu. Ban kiểm phiếu kết thúc nhiệm vụ sau khi đã hoàn thành các công tác kiểm phiếu tại kỳ họp.

Ban kiểm phiếu xác định kết quả bầu cử của HĐND theo nguyên tắc: Người được quá nửa số phiếu bầu hợp lệ so với tổng số đại biểu HĐND và được nhiều phiếu hơn thì trúng cử. Trường hợp nhiều người được bầu vào cùng một chức vụ có số phiếu ngang nhau và đạt quá nửa số phiếu so với tổng số đại biểu HĐND thì HĐND bầu lại chức vụ này trong số những người được số phiếu cao nhất ngang nhau. Trong số những người được bầu lại, người được số phiếu nhiều hơn là người trúng cử; nếu bầu lại mà nhiều người vẫn được số phiếu ngang nhau thì người nhiều tuổi hơn là người trúng cử.
                
   

Các đại biểu bỏ phiếu bầu Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội - Ảnh minh họa: dangcongsan.vn

   

Về trình tự bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng ban, Phó Trưởng ban các Ban của HĐND, Hướng dẫn nêu rõ: Bầu Chủ tịch HĐND trong số các đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo giới thiệu của chủ tọa kỳ họp. Chủ tọa kỳ họp đọc tờ trình giới thiệu nhân sự để HĐND bầu, kể cả trong trường hợp chủ tọa kỳ họp là nhân sự được giới thiệu giữ chức Chủ tịch HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Chủ tịch HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện nhiệm vụ ngay sau khi được HĐND bầu và tiến hành chủ tọa kỳ họp.

Tương tự, Phó Chủ tịch HĐND cũng được bầu trong số các đại biểu HĐND theo giới thiệu của Chủ tịch HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026. Các Phó Chủ tịch HĐND thực hiện ngay nhiệm vụ, điều hành phiên họp của HĐND theo phân công của Chủ tịch HĐND.

Nhân sự bầu Trưởng ban, Phó Trưởng ban các Ban của HĐND cũng trong số các đại biểu HĐND theo giới thiệu của Chủ tịch HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trưởng ban, Phó Trưởng ban các Ban của HĐND thực hiện nhiệm vụ của mình ngay sau khi được HĐND bầu.

Thường trực HĐND gồm Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, các Ủy viên là Trưởng ban của HĐND.

Về trình tự bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND, Hướng dẫn nêu rõ: Việc bầu Chủ tịch UBND trong số các đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo giới thiệu của Chủ tịch HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026. Chủ tịch UBND nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện nhiệm vụ ngay sau khi được HĐND bầu.

HĐND bầu Phó Chủ tịch và các Ủy viên UBND theo giới thiệu của Chủ tịch UBND (mới được bầu). Tờ trình của Chủ tịch UBND về việc giới thiệu người ứng cử vào các chức danh Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND phải nêu rõ lĩnh vực công tác phụ trách hoặc chức vụ tại cơ quan chuyên môn của UBND mà người đó dự kiến sẽ đảm nhiệm.

Các Phó Chủ tịch UBND và Ủy viên UBND nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện nhiệm vụ ngay sau khi được HĐND bầu.

Sau khi HĐND kết thúc việc bầu các chức danh của UBND thì HĐND cấp tỉnh, cấp huyện bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân cùng cấp theo giới thiệu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp. HĐND thành phố Đà Nẵng, HĐND TP. Hồ Chí Minh bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân quận theo giới thiệu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố.

UBTVQH cũng lưu ý, khi HĐND tiến hành bầu các chức danh theo quy định, nếu có đại biểu HĐND tự ứng cử hoặc giới thiệu thêm người ứng cử ngoài danh sách đã được người có thẩm quyền giới thiệu thì chủ tọa kỳ họp trình HĐND xem xét, quyết định số lượng, danh sách những người ứng cử vào chức danh đó bằng hình thức biểu quyết giơ tay hoặc bằng hệ thống biểu quyết điện tử hoặc bỏ phiếu kín.

Sau khi Ban kiểm phiếu công bố kết quả bầu cử đối với chức danh quy định, chủ tọa kỳ họp trình HĐND xem xét, biểu quyết thông qua nghị quyết về việc bầu chức danh hoặc nhóm chức danh đó.../.

Đ. KHOA