Kết hợp ESG vào chiến lược kinh doanh để tạo giá trị bền vững cho doanh nghiệp

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 22:23, 04/06/2021

(BKTO) - Các DN trên toàn thế giới đang thích ứng, chuyển các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) từ ngoại vi của mối quan tâm sang trung tâm chiến lược. Họ công nhận ESG là động lực tạo ra giá trị và khẩn trương phát triển tư duy chủ động về ESG.


                
   

66% xếp hạng việc tạo ra giá trị là một trong ba động lực hàng đầu của hoạt động đầu tư có trách nhiệm hoặc ESG
   Nguồn: PwC

   

Áp dụng các tiêu chí ESG để tạo giá trị và thu hút nhà đầu tư

Theo Khảo sát đầu tư có trách nhiệm về vốn tư nhân toàn cầu của PwC, Quỹ đầu tư tư nhân (PE) đang đặt ESG làm trọng tâm trong chiến lược kinh doanh nhằm đảm bảo tính bền vững của nền kinh tế. Trong 7 năm qua, các PE đã đánh giá lại toàn diện tầm quan trọng và giá trị của ESG đối với hoạt động kinh doanh của họ.

Theo đó, 56% những người trả lời khảo sát đã thảo luận về ESG như một phần của chương trình nghị sự của ban điều hành nhiều hơn một lần mỗi năm. 38% đã xác định các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc có liên quan ở cấp độ danh mục công ty.

65% người trả lời khảo sát cũng cho biết, họ đã phát triển một chính sách đầu tư hoặc ESG có trách nhiệm và các công cụ để thực hiện nó. 72% luôn sàng lọc các công ty mục tiêu về rủi ro và cơ hội ESG ở giai đoạn trước khi mua lại.
                
   

56% DN thảo luận về ESG như một phần của chương trình nghị sự nhiều hơn một lần mỗi năm (chỉ số này chỉ đạt 35% năm 2019)
   Nguồn: PwC

   

Những con số này chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên khi ngày càng nhiều DN điều chỉnh chiến lược đầu tư để thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu giảm lượng khí thải, tăng khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng với sự gián đoạn do biến đổi khí hậu hoặc đại dịch trong tương lai. Ngoài ra, các công ty đang sử dụng các tiêu chí ESG không chỉ để đánh giá rủi ro và xác định các cơ hội tạo ra giá trị mà còn để quản lý danh mục đầu tư.

Một lý do nữa tạo nên sự chuyển đổi từ giảm thiểu rủi ro sang tạo giá trị này là các đối tác quản lý đã nhận ra rằng ESG mang lại cơ hội kinh doanh thực sự và họ không muốn công ty của mình bỏ lỡ. Các nhà lãnh đạo thừa nhận rằng ESG là một đòn bẩy cho sự chuyển đổi cùng với các đòn bẩy khác như số hóa và quốc tế hóa.

Đáng chú ý, hơn một nửa số người được hỏi (56%) đã từ chối ký kết thỏa thuận với đối tác chung hoặc từ chối khoản đầu tư tiềm năng vì lý do ESG. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự thay đổi này xuất hiện bởi các công ty bắt đầu hiểu rằng các nhà đầu tư coi trọng các quỹ mang lại tác động tích cực đến môi trường và xã hội.

Khảo sát của PwC cũng cho thấy, 17% số người được hỏi lưu ý rằng họ đã có quỹ tác động chuyên dụng hoặc đang lên kế hoạch thành lập quỹ tác động trong năm tới và 14% bổ sung thêm rằng họ đang cân nhắc đầu tư để tạo tác động tích cực trong tương lai. Trong số những người được hỏi, 45% lưu ý rằng mặc dù không có quỹ tác động nhưng họ đã đo lường và quản lý tác động để tìm kiếm các cơ hội đầu tư liên quan đến các tác động tích cực.

Những động lực tạo nên tính bền vững

Việc áp dụng một chiến lược ESG toàn diện đòi hỏi các công ty phải xem xét một loạt các yếu tố cụ thể nhưng thường có mối liên hệ với nhau có thể ảnh hưởng tiêu cực hoặc tích cực đến danh mục đầu tư và sự thành công chung của DN.

Rủi ro khí hậu: Ngành dịch vụ tài chính ngày càng có nhiều hành động thể hiện sự quan tâm của các công ty PE về rủi ro khí hậu. Năm 2019, đại đa số PE cho biết họ lo ngại về rủi ro khí hậu trong danh mục đầu tư của mình nhưng hầu hết không giải quyết vấn đề. Năm nay, hơn một nửa số DN trong cuộc khảo sát đã có hành động và 36% nói rằng họ cân nhắc rủi ro khí hậu khi đưa ra quyết định đầu tư.

Đa dạng và hòa nhập: 5 qua, các DN đã quyết tâm cải thiện sự đa dạng và hòa nhập tại nơi làm việc, đặc biệt là về bình đẳng giới. Hơn 90% DN quan tâm đến sự đa dạng, hòa nhập, 77% người nói rằng sự đa dạng là giá trị cốt lõi và không thể thiếu trong văn hóa của họ, đặc biệt là trong lĩnh vực đổi mới. Cải thiện tính đa dạng và hòa nhập trong toàn ngành đang trở thành ưu tiên cao hơn trong lực lượng lao động toàn cầu hóa, nơi các DN cạnh tranh để tìm kiếm một thế hệ tài năng mới.

Quản trị: Phòng chống hối lộ và tham nhũng từ lâu đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của quản trị đối với DN. Điều thú vị là ba vấn đề quan tâm tiếp theo đang được PE giải quyết (đạo đức kinh doanh, giá trị DN và văn hóa) đều liên quan đến tương lai của hoạt động kinh doanh bền vững. Trong đó, gần 95% quan tâm nhất đến đạo đức kinh doanh, các giá trị và văn hóa DN, phòng chống hối lộ và tham nhũng cũng như an ninh mạng và dữ liệu. 89% lo ngại về việc tuân thủ quy định ESG.

Các vấn đề về ESG sẽ định hình lại nền kinh tế toàn cầu trong những năm tới và ảnh hưởng đến sự thành công trong đầu tư của PE và toàn bộ lĩnh vực dịch vụ tài chính. Hơn nữa, những vấn đề này có mối liên hệ với nhau. Vì vậy, điều quan trọng đối với các công ty PE là phải kết hợp đầu tư có trách nhiệm ESG vào chiến lược kinh doanh chung. Hiểu được bức tranh tổng thể cũng như các rủi ro và cơ hội trong danh mục đầu tư của ESG sẽ giúp DN hình thành một chiến lược mang lại giá trị bền vững - các chuyên gia của PwC nhấn mạnh./.

THÙY LÊ