Giao chức năng thanh tra chuyên ngành đầy đủ cho ngành bảo hiểm xã hội để hạn chế lạm dụng, trục lợi chính sách

Xã hội - Ngày đăng : 10:35, 05/06/2021

(BKTO) - Đây là quan điểm của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam khi trả lời kiến nghị của cử tri về việc giao chức năng thanh tra chuyên ngành (TTCN) đầy đủ cho ngành BHXH.


BHXH Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Theo đó, cử tri Phú Thọ gửi kiến nghị đến BHXH Việt Nam đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) giao chức năng TTCN đầy đủ cho Ngành BHXH, trong đó có thanh tra việc thực hiện giải quyết, thanh quyết toán các chế độ chính sách BHXH, BHYT để hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi chế độ BHXH và bội chi Quỹ BHYT như hiện nay.
                
   

Công tác thanh tra chuyên ngành của ngành BHXH đã tạo chuyển biến rõ rệt trong thu hồi, giảm nợ đóng BHXH, BHYT - Ảnh: BHXH Việt Nam

   

Trả lời kiến nghị của cử tri, BHXH Việt Nam cho biết, ngày 20/11/2014 Quốc hội thông qua Luật BHXH số 58/2014/QH13 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016) giao cơ quan BHXH thực hiện chức năng TTCN về đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), BHYT. Có thể thấy, từ khi ngành BHXH Việt Nam được giao chức năng TTCN, hiệu quả công tác thu hồi, giảm nợ đóng đã có những chuyển biến rõ rệt.

Cụ thể, nếu năm 2015 khi chưa được giao chức năng TTCN về đóng BHXH, BHTN, BHYT thì số nợ là 7.780,6 tỷ đồng, tương ứng với 3,74% tổng số phải thu theo kế hoạch được Chính phủ giao thì sang năm 2016, 2017, 2018 và 2019 số nợ đã giảm dần tương ứng là 3,22%; 3,06%; 1,7% và 1,6%; riêng năm 2020 là 3,35% (do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19) so với tổng số phải thu theo kế hoạch được Chính phủ giao.

Những con số trên là một minh chứng cho thấy quy định giao chức năng TTCN về đóng BHXH, BHTN, BHYT cho cơ quan BHXH là hoàn toàn đúng đắn, mang lại hiệu quả cao, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; đồng thời có tác dụng răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm về đóng BHXH, BHTN, BHYT của chủ sử dụng lao động.

Cũng theo BHXH Việt Nam, hiện nay tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi và có diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp với phạm vi, quy mô ngày càng lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực chi BHXH, BHTN, BHYT. Nhiều sai phạm trong lĩnh vực này chưa được các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, xử lý kịp thời với nhiều lý do.

Trong khi đó, cơ quan BHXH được giao trực tiếp quản lý thu đóng BHXH, BHTN, BHYT và thực hiện chính sách BHXH, BHYT có quyền và trách nhiệm trong tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, có cơ cấu tổ chức thanh tra, kiểm tra theo ngành dọc từ trung ương tới các tỉnh và có đủ đội ngũ cán bộ làm công tác TTCN đóng BHXH, BHTN, BHYT đã được đào tạo, bồi dưỡng đầy đủ về nghiệp vụ thanh tra; có chuyên môn sâu về chế độ, chính sách BHXH, BHYT, có hệ thống dữ liệu đóng, hưởng BHXH, khám, chữa bệnh BHYT liên thông - nhưng mới chỉ được giao chức năng TTCN về đóng BHXH, BHTN, BHYT. Các nội dung quản lý khác chỉ thực hiện chức năng kiểm tra, phát hiện vi phạm và kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý. Điều này đã làm hạn chế đến hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Vì vậy, BHXH Việt Nam cho rằng, kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Thọ về việc giao chức năng TTCN đầy đủ cho ngành BHXH, trong đó có thanh tra việc thực hiện giải quyết, thanh quyết toán các chế độ chính sách BHXH, BHYT để hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi chế độ BHXH và bội chi Quỹ BHYT như hiện nay là phù hợp với thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, nếu giao chức năng TTCN chi BHXH, BHTN, BHYT cho BHXH Việt Nam sẽ đảm bảo không có sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan nhà nước, giảm thời gian thanh tra trực tiếp tại các đơn vị thông qua việc khai thác dữ liệu công nghệ thông tin sẵn có để sàng lọc, phân tích trước khi ra quyết định thanh tra.
         
   
Theo BHXH Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2020, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT tại 35.060 đơn vị, DN. Qua đó đã phát hiện, yêu cầu các đơn vị lập hồ sơ đăng ký tham gia, đóng bổ sung thời gian cho 106.590 người lao động do chưa đóng, đóng thiếu thời gian với số tiền truy thu vào Quỹ BHXH, BHYT lên tới 405,6 tỷ đồng; bổ sung mức đóng cho 133.655 người lao động với số tiền truy thu vào Quỹ BHXH, BHYT 258,5 tỷ đồng; yêu cầu khắc phục 8.955,6 tỷ đồng nợ BHXH, BHYT, trong đó các đơn vị đã khắc phục được 6.339,4 tỷ đồng. Đặc biệt, trong thời gian thanh tra, các đơn vị đã nộp được 3.600 tỷ đồng tiền nợ.
   
Thông qua công tác thanh tra chuyên ngành, ngành BHXH đã gửi hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành 2.103 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt 114,5 tỷ đồng, trong đó các đơn vị đã chấp hành quyết định xử phạt 30,3 tỷ đồng.
   

KIM AN