Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhớ công ơn của những người có công với cách mạng
Đối nội - Ngày đăng : 21:50, 27/07/2017
(BKTO) - Sáng 27/7, tạiThủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủtịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và TP. Hà Nộiđã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 -27/7/2017).
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng - đã tới dự và có bài diễn văn kỷ niệm. Tham dự buổi Lễ còn các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; đại biểu lãnh đạo một số địa phương trong cả nước.
Lễ kỷ niệm còn vinh dự đón tiếp các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, các tướng lĩnh, các đồng chí đại diện thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ; đại diện lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. Hà Nội cùng đông đảo nhân dân Thủ đô.
Sau lễ chào cờ, các đại biểu đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các anh hùng liệt sĩ và đồng bào đã hy sinh anh dũng trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong Diễn văn kỷ niệm, thay mặt cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi tới các lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc.
Tổng Bí thư nhắc lại, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ. Dưới sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của Người, ngày 27/7/1947 đã được chọn là Ngày Thương binh - Liệt sĩ và mở đầu bằng một cuộc mít tinh lớn tại Đại Từ (Thái Nguyên). Từ đó, ngày 27/7 hằng năm đã trở thành ngày tôn vinh, mang đậm tính nhân văn Việt Nam, là dịp để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Khái quát chặng đường 70 năm qua, nhất là trong 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Tổng Bí thư khẳng định: “Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”. Đến nay, hơn 9 triệu lượt người có công được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi, hơn 4 triệu người có công được tặng thưởng huân chương, huy chương và nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý khác. Chỉ trong vòng 1 thập kỷ (2007-2016), cả nước xây dựng và sửa chữa hơn 182.000 căn nhà tình nghĩa, trao hơn 133.000 sổ tiết kiệm cho các gia đình người có công. Với ý chí tự lực, tự cường, nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công vượt lên thương tật, khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ trong lao động, sản xuất, học tập, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư nhiệt liệt hoan nghênh, đánh giá cao và biểu dương các bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cá nhân trong và ngoài nước đã tích cực hưởng ứng thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, sôi nổi tham gia các phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Tổng Bí thư cũng nhiệt liệt chúc mừng những kết quả, thành tích mà các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công đã đạt được trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để phát huy kết quả và thành tích đã đạt được, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc người có công với cách mạng, Tổng Bí thư yêu cầu, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và tổ chức xã hội cần tiếp tục thực hiện và tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công; nhất là Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công; ưu tiên nguồn lực đáp ứng những nhu cầu cấp thiết đối với người có công; giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công tồn đọng, bảo đảm chặt chẽ, thấu lý, đạt tình; huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước, phấn đấu 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú vào năm 2020…
Tổng Bí thư còn kêu gọi toàn thể đồng chí, đồng bào, chiến sĩ cả nước tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thương binh, liệt sĩ; chăm lo tốt hơn nữa thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đó vừa là đạo lý, vừa là bổn phận, trách nhiệm và tình thương yêu đồng chí, đồng bào của mỗi người Việt Nam.
Kết thúc Diễn văn, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không bao giờ quên công ơn to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng. Chúng ta nguyện sống, chiến đấu, lao động và làm việc xứng đáng với các bậc tiền nhân, với những người đã hy sinh vì dân, vì nước”.
Đại diện những người có công với cách mạng, Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thế Thao đã bày tỏ lòng biết ơn Bác Hồ vĩ đại, cảm ơn Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội ta đã và đang dành tất cả sự quan tâm, chăm sóc tới những gia đình chính sách, người có công với cách mạng để những người có công được hưởng cuộc sống tương đối đầy đủ về tinh thần cũng như vật chất, tiếp tục cống hiến cho xã hội. Ông Nguyễn Thế Thao hứa sẽ luôn phát huy phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”, vai trò tiên phong, gương mẫu của người đảng viên, tiếp tục đóng góp sức lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại diện thế hệ trẻ Thủ đô, giảng viên trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải Hà Nội Lê Nguyên Khương bày tỏ sự trân trọng và tự hào về truyền thống cách mạng của dân tộc. Nhận thức sâu sắc về trách nhiệm và sứ mệnh của mình trước những đòi hỏi của thời đại mới, giảng viên Lê Nguyên Khương nguyện sẽ phát huy tính tiền phong, gương mẫu của người đảng viên, đoàn viên, thanh niên, sẵn sàng đón nhận mọi nhiệm vụ, tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, luôn xung kích, tình nguyện đi đầu trong học tập, nghiên cứu khoa học, lao động sáng tạo, trau dồi đạo đức, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, dân tộc, phấn đấu hết mình, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước, xứng đáng với sự hy sinh, cống hiến to lớn của các thế hệ cha anh, các anh hùng liệt sĩ, những người có công với cách mạng.
THÀNH ĐỨC