Thay đổi cách nghĩ, cách làm, đưa bảo tàng đến gần công chúng

Xã hội - Ngày đăng : 13:45, 08/06/2021

(BKTO) - Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, cũng như nhiều lĩnh vực khác, hoạt động của bảo tàng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Để thích ứng với tình hình dịch bệnh, cũng như mở hướng phát triển bền vững trong tương lai, các bảo tàng cần không ngừng đổi mới, thay đổi cách nghĩ, cách làm theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp và hấp dẫn hơn.


Hệ thống bảo tàng gặp khó

Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động bảo tàng.
                
   

Các bảo tàng gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. TạiBảo tàng Lịch sử quốc gia, lượng khách đến đã giảm 93% so với trước đại dịch

   

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) mới đây, lãnh đạo các bảo tàng đã báo cáo những kết quả trong thực hiện nhiệm vụ thời gian qua đồng thời thẳng thắn nêu lên những vướng mắc, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ. Trong đó,dịch bệnh Covid-19 phức tạp và kéo dài, ảnh hưởng đến các hoạt động của các bảo tàng;vấn đề về kinh phí đầu tư cho các bảo tàng ngày càng eo hẹp, đặc biệt là nguồn kinh phí thực hiện các hoạt động chuyên môn. Hệ thống trang thiết bị kỹ thuật đã cũ và đang xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu công việc. Nguồn kinh phí dành cho sưu tầm còn hạn chế nên kết quả sưu tầm vẫn chưa đạt được như kỳ vọng theo mục tiêu đề ra.

Trong bối cảnh khó khăn chung, các bảo tàng cũng đã từng bước chủ động, linh hoạt để duy trì hoạt động, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các quy định phòng, chống dịch của Bộ Y tế.

Theo đại diện Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số lượt khách tham quan Bảo tàng hiện nay đã giảm khoảng 93% so với trước đại dịch. Hiện tại, Bảo tàng đang tạm dừng phục vụ khách tham quan trực tiếp. Tuy nhiên, để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh, thời gian qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã chủ động điều chỉnh hướng đi trên cơ sở tích hợp và đa dạng hóa các hoạt động. Trong điều kiện khách không thể tham quan trưng bày, Bảo tàng xây dựng trưng bày online.

Đây là một trong những cách làm mới được nhiều bảo tàng áp dụng nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao. Theo đó, nhiều bảo tàng đã tổ chức, phối hợp tổ chức một số trưng bày chuyên đề với thủ pháp trưng bày hiện đại, thiết kế mỹ thuật hấp dẫn và nội dung sâu sắc, nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của công chúng.

Hoạt động giáo dục, truyền thông và thu hút khách tham quan cũng được các bảo tàng chú trọng. Các bảo tàng đã tăng cường các hoạt động giáo dục với hình thức phong phú như đa dạng hình thức hướng dẫn tham quan trong bảo tàng, nói chuyện chuyên đề, phối hợp giảng dạy cho đối tượng tuổi trẻ học đường. Đặc biệt, các bảo tàng còn sáng tạo các hình thức giáo dục di sản văn hóa trực tuyến phục vụ học sinh trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid- 19.

Việc từng bước đưa ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động bảo tàng, ứng dụng công nghệ trong giới thiệu trưng bày vừa đảm bảo hoạt động phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19, vừa từng bước tiếp cận xu hướng ứng dụng công nghệ của các Bảo tàng hiện đại trong khu vực và trên thế giới.

Xây dựng bảo tàng theo hướng chuyên nghiệp, có chiều sâu, hấp dẫn

Tại buổi làm việc, sau khi lắng nghe đại diện lãnh đạo các bảo tàng báo cáo về những khó khăn, thách thức trong hoạt động bảo tàng thời gian gần đây, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao tinh thần vượt khó và chia sẻ khó khăn với các bảo tàng do tác động của dịch bệnh.

Bộ trưởng đánh giá, với chức năng giáo dục truyền thống, thời gian qua các Bảo tàng đã chủ động liên kết phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng nhiều hơn về tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc và lan tỏa những giá trị này thông qua các hiện vật, hình ảnh để bồi đắp, vun đắp tình yêu quê hương đất nước cho các thế hệ.
                
   

Các bảo tàng cần đẩy mạnh chương trình kết nối, giáo dục, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Cách làm này hiện đang được Bảo tàng Lịch sử quốc gia thực hiện tốt.

   

Nhắc lại các nhiệm vụ, chức năng của bảo tàng, theo Bộ trưởng, các bảo tàng đang tập trung vào nhiệm vụ rất quan trọng là phải lưu giữ, bảo quản các giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Đó là nơi để tổ chức giáo dục truyền thống cách mạng, tự hào dân tộc cho nhân dân cả nước và đặc biệt là thế hệ trẻ, thực hiện lời dạy của Bác Hồ là "Dân ta phải biết sử ta", qua việc đến bảo tàng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, cái khó nhất hiện nay là cần xây dựng bảo tàng theo hướng chuyên nghiệp, có chiều sâu chứ không phải là nơi để đựng các di tích, các hiện vật mà thiếu đi tính mỹ thuật, thẩm mỹ và vì vậy sức hấp dẫn, lôi cuốn chưa có.

Nhấn mạnh yêu cầu chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là vấn đề sống còn của các bảo tàng; vấn đề liên kết giữa các bảo tàng để phát huy thế mạnh, thu hút người xem... Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, các bảo tàng còn lúng túng, thực hiện chưa đồng đều đối với các vấn đề này.

Do đó, để thích ứng với tình hình dịch bệnh nói riêng và xu thế phát triển trong tương lai của bảo tàng, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị cần suy nghĩ cởi mở, thay vì chờ đợi các chính sách, giao nhiệm vụ theo đặt hàng thì cần phải chuyển hướng theo cách tiếp cận dịch vụ công; phải quyết liệt để thay đổi suy nghĩ, nhận thức và cố gắng tìm kiếm các nguồn lực đáp ứng các yêu cầu đặt ra; tập trung xây dựng các bảo tàng có thương hiệu để trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách.

Bài và ảnh: NGUYỄN LỘC