Bảo đảm an toàn trong các doanh nghiệp sản xuất trở lại
Chính trị - Ngày đăng : 09:00, 12/06/2021
(BKTO) - Hiện nay, khi dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát và khống chế, thì công tác đảm bảo an toàn trong các DN khi quay trở lại sản xuất là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với tỉnh Bắc Giang…
Rà soát, đánh giá nguy cơ của từng doanh nghiệp
Để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 lây lan, tỉnh Bắc Giang đã phải đóng cửa tất cả các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là chủ trương rất đúng đắn, kịp thời, không đánh đổi kinh tế lấy sức khỏe cộng đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, việc đóng cửa các khu công nghiệp khiến kinh tế của tỉnh mỗi ngày thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng. Đây là thiệt hại hết sức nặng nề và không thể kéo dài lâu.
Bên cạnh đó, trên địa bàn Bắc Giang hiện có rất nhiều DN thuộc các tập đoàn lớn trên thế giới như: Apple, Toyota, Honda, Samsung... Vì vậy việc dừng sản xuất có thể khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Chẳng hạn như Samsung Bắc Giang đóng cửa trong thời gian dài cũng sẽ khiến Samsung Thái Nguyên, Samsung Bắc Ninh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiếu sản phẩm, nguyên phụ kiện đầu vào. Nếu đợi đến khi dập xong dịch mới sản xuất thì chuỗi cung ứng sẽ bị đứt gãy, khiến các tập đoàn thiệt hại lớn, nhất là giá cổ phiếu.
Thực tế này đặt ra cho Bắc Giang một nhiệm vụ cấp bách là làm sao vừa chống dịch nhưng cũng phải nhanh chóng đưa sản xuất trở lại.
Các công nhân làm việc tại Công ty TNHH Hana Kovi Việt Nam. |
Ông Dương Chí Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế), Tổ trưởng Tổ cách ly y tế và xử lý môi trường thuộc Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang cho biết: Ngay khi có mặt tại Bắc Giang, Bộ phận thường trực đặc biệt đã trao đổi với lãnh đạo tỉnh để có giải pháp. Đầu tiên là thành lập ngay 35 đoàn (có đại diện các Sở, ban, ngành của tỉnh) kiểm tra giám sát thực tế để rà soát nguy cơ của từng DN. DN nào chưa đủ điều kiện thì yêu cầu khắc phục ngay. Nếu như DN không khắc phục thì dừng sản xuất. Đối với những DN đang tạm bị phong tỏa không sản xuất được thì phải khắc phục ngay, đủ điều kiện mới được đưa vào sản xuất.
Điều kiện chung để được sản xuất trở lại đối với các DN là chỉ sử dụng người lao động đã được cơ quan y tế và chính quyền địa phương nơi thường trú hoặc tạm trú xác nhận đã được kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch từ ngày 9/5/2021 trở lại đây và có 2 lần xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19 (kể từ ngày 9/5/2021 trở lại đây), trong đó lần gần nhất trước khi quay trở lại làm việc là 1 ngày.Công nhân đủ điều kiện quay trở lại sản xuất sẽ được bố trí ở tại DN hoặc kí túc xá (KTX) riêng biệt của DN. Công nhân ngoài nơi làm việc và nơi lưu trú tập trung không được tiếp xúc cộng đồng. |
Trước khi tổ chức sản xuất lại, DN bố trí đón công nhân đến nơi ở tập trung của DN ít nhất 3 ngày trước khi làm việc và thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ lao động.
DN phải bố trí phương tiện đưa, đón người lao động từ KTX đến nơi làm việc và từ nơi làm việc trở về KTX; Thực hiện xét nghiệm tầm soát Covid-19 liên tục đối với toàn bộ công nhân.
Với mô hình trên thì công nhân được quản lý khép kín từ công ty đến khi về nơi ở để đảm bảo an toàn ở mức tối đa trong sản xuất.
“Cho đến nay gần 10 nghìn công nhân đã trở lại sản xuất và hơn 15 DN thực tế đã sản xuất trở lại. Ngoài ra còn có gần 40 DN đã thẩm định, chờ đón công nhân vào triển khai sản xuất” – ông Dương Chí Nam cho biết.
Quản lý công nhân theo chuỗi
Bên cạnh đó, Tổ cách ly y tế và xử lý môi trường đã triển khai tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Giang xây dựng một phần mềm quản lý DN từ nơi sản xuất cho đến nơi ở của công nhân. Phần mềm có thể theo dõi công nhân sử dụng phương tiện gì đến công ty, nhà trọ ở với ai, những người ở cùng làm ở DN nào…
Theo ông Dương Chí Nam, hiện tại các DN đã đi vào sản xuất áp dụng mô hình công nhân ở tại chỗ, sản xuất tại chỗ. Việc này không những giúp từng bước khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống cho người lao động mà còn góp phần giảm tải cho các khu cách ly xã hội. Bởi cũng với số lượng công nhân đó, thay vì đưa đi cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly, sẽ đưa vào cách ly ngay trong các phân xưởng, nhà máy, vừa thực hiện cách ly vừa tham gia sản xuất.
Tuy nhiên, khi 100% công nhân quay lại làm việc thì không thể ở hết được trong DN mà phải phân tán trong các khu nhà trọ. Để giải quyết vấn đề này, Bộ phận thường trực đặc biệt đã tham mưu với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang mô mình quản lý theo hướng mỗi một khu nhà trọ sẽ do một công ty quản lý và chỉ có công nhân của công ty đó ở trong khu nhà trọ đó.
“Chúng ta sẽ quản lý theo một chuỗi từ đầu đến cuối mà DN và chủ nhà trọ sẽ chịu trách nhiệm, còn chính quyền chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Việc quản lý theo một chuỗi như thế rất tốt và khi xảy ra vấn đề gì cũng sẽ chỉ xảy ra tại một DN và không bị lan sang các DN khác” – ông Dương Chí Nam chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác tiêm vắc xin cho công nhân tại Công ty TNHH Hana Kovi Việt Nam - Ảnh: Đức Huy |
Theo ông Nam, nếu Bắc Giang làm được mô hình này sẽ là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước qua thực tiễn đợt dịch vừa rồi sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm triển khai áp dụng những biện pháp trong thời gian tới sẽ quyết liệt và có một mô hình rất hay và đáng để các tỉnh khác nghiên cứu để triển khai trong thời gian tới.
Cũng để hỗ trợ Bắc Giang thực hiện mục tiêu sớm đưa sản xuất trở lại, Chính phủ, Bộ Y tế đã liên tục cung cấp vắc xin cho Bắc Giang để triển khai tiêm cho công nhân với tổng số vắc xin phân bổ sau 3 đợt là 160 nghìn liều. Bộ Y tế cũng điều động hàng nghìn nhân lực để giúp Bắc Giang hoàn thành chiến dịch tiêm chủng vượt thời kế hoạch (hoàn thành tiêm 150 nghìn liều vắc xin trong 5 ngày).
ĐĂNG KHOA