Luôn chủ động để tránh chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra và kiểm toán

Đối nội - Ngày đăng : 15:00, 01/08/2017

(BKTO) - Tại cuộc họp báo của KTNN ngày 21/7 vừa qua, trước những câu hỏi của báo giới xoay quanh vấn đề chồng chéo, trùng lắp trong kế hoạch thanh tra, kiểm toán, đại diện lãnh đạo KTNN và Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTC-NS) của Quốc hội đã đưa ra những phân tích, giải đáp hết sức rõ ràng, cụ thể về quy trình xây dựng Kế hoạch kiểm toán năm của KTNN. Qua đó khẳng định Kế hoạch kiểm toán được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ và mang tính pháp lý rất cao.


Ông Bùi Đặng Dũng - Phó Chủ nhiệm UBTC-NS của Quốc hội - đánh giá: “Việc xây dựng Kế hoạch kiểm toán năm được thực hiện rất bài bản”. Để minh chứng cho nhận định này, Phó Chủ nhiệm UBTC-NS đã dẫn ra quy trình xây dựng Kế hoạch kiểm toán năm 2018 của KTNN: “Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khai mạc vào tháng 10 tới, ngay trong tháng 8 này, UBTC-NS sẽ đón nhận dự thảo Kế hoạch kiểm toán năm 2018 của KTNN để nghiên cứu, thảo luận, góp ý, sau đó sẽ đưa ra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) rồi chuyển trở lại để KTNN nghiên cứu bổ sung.

Bước tiếp theo, trước kỳ họp Quốc hội, KTNN phải gửi tới tất cả các đại biểu Quốc hội dự thảo Kế hoạch kiểm toán năm để từng đại biểu nghiên cứu, đề xuất xem nội dung nào cần kiểm toán, nội dung nào không cần kiểm toán. UBTC-NS sẽ tổng hợp lại tất cả các ý kiến của các đại biểu Quốc hội làm báo cáo tổng hợp gửi UBTVQH. Trên cơ sở đó, đại diện lãnh đạo UBTVQH sẽ ký và chuyển văn bản chính thức sang cơ quan KTNN vào tháng 10/2017. Căn cứ vào đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ ký ban hành Kế hoạch kiểm toán năm 2018”.
Việc xây dựng Kế hoạch kiểm toán hằng năm của KTNN là một quy trình khoa học, bài bản.Ảnh: P.V
Song song với việc phân tích để báo giới thấy rõ việc xây dựng Kế hoạch kiểm toán năm của KTNN là một quy trình khoa học, bài bản, ông Bùi Đặng Dũng cũng nhấn mạnh sự thiện chí, cầu thị của lãnh đạo KTNN, bởi theo Điều 10 Luật KTNN năm 2015 thì Tổng Kiểm toán Nhà nước là người có quyền quyết định kế hoạch kiểm toán hằng năm và báo cáo Quốc hội trước khi triển khai thực hiện.

Ngoài ra, trong quy định tại Khoản 2, Điều 10 của Luật KTNN năm 2015 cũng nêu, UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có quyền yêu cầu kiểm toán những nội dung mà Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hoặc các thành viên Chính phủ thấy cần phải kiểm toán.

Khái quát lại toàn bộ quy trình xây dựng Kế hoạch kiểm toán năm của KTNN, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng - người phát ngôn của KTNN - cho biết, từ tháng 7 hằng năm, KTNN đã có chủ trương lập Kế hoạch kiểm toán năm. Mặc dù luật quy định KTNN là cơ quan độc lập, Tổng Kiểm toán Nhà nước có quyền ban hành Kế hoạch kiểm toán năm. Tuy nhiên, KTNN hết sức thiện chí và khiêm tốn, luôn phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành để xin ý kiến, sau khi trao đổi thống nhất, KTNN tiếp tục gửi đến các Ủy ban của Quốc hội, đặc biệt là UBTC-NS của Quốc hội.

Tiếp đến, KTNN gửi xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan trực thuộc Chính phủ. Sau khi có ý kiến đầy đủ, KTNN mới trình dự thảo Kế hoạch kiểm toán lên UBTVQH, rồi đưa ra xin ý kiến từng đại biểu Quốc hội, tổng hợp lại các ý kiến thì Tổng Kiểm toán Nhà nước mới ký ban hành Kế hoạch kiểm toán.

Do đó, Kế hoạch kiểm toán được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ và mang tính pháp lý rất cao. Điều này một lần nữa được khẳng định trong Thông báo số 98/TB-VPCP ngày 22/02/2017 của Văn phòng Chính phủ về thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc với KTNN, trong đó nêu rõ: “Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra thuộc các Bộ ngành, căn cứ kế hoạch kiểm toán hằng năm của KTNN rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra có liên quan nhằm hạn chế sự trùng lắp, chồng chéo gây khó khăn cho địa phương, DN và đảm bảo tính độc lập của KTNN theo quy định của pháp luật”. Kết luận của Thủ tướng Chính phủ rất xác đáng, đúng quy định của pháp luật và phù hợp trong thực tiễn hoạt động - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng, trong thực tế thời gian qua, có sự chồng chéo, trùng lắp trong thanh tra, kiểm toán. Khi phát hiện ra sự trùng lắp, KTNN luôn trao đổi với Thanh tra Chính phủ để thống nhất cơ quan nào sẽ tiếp tục làm. KTNN không hoàn toàn cứng nhắc mà luôn uyển chuyển cho phù hợp với thực tế.

Nhằm tạo sự chủ động và thuận lợi hơn nữa cho các cơ quan thanh tra trong xây dựng kế hoạch thanh tra, cũng như cho các đơn vị của KTNN trong xây dựng Kế hoạch kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 1034 ngày 3/7/2017 về chấn chỉnh hoạt động kiểm toán tránh chồng chéo, trùng lắp.

Trong Chỉ thị cũng nêu rất rõ việc tránh chồng chéo, trùng lắp ngay trong nội bộ kế hoạch kiểm toán của các đơn vị thuộc KTNN. Trong phương án tổ chức, KTNN thực hiện lồng ghép một cách tối đa nhiều đoàn, nhiều nội dung để kiểm toán trong một lần tại một đơn vị.

Vụ trưởng Vụ Tổng hợp KTNN Trần Khánh Hòa cho biết, trong xây dựng Kế hoạch kiểm toán năm 2018, Chỉ thị nêu rõ các KTNN chuyên ngành, khu vực phải xác định rõ đầu mối, tên cụ thể của các dự án, các chương trình mục tiêu và các chuyên đề. Điều này tạo thuận lợi cho KTNN trong trao đổi, thống nhất với Thanh tra Chính phủ nhằm tránh chồng chéo…

Khi Kế hoạch kiểm toán được ban hành, các KTNN chuyên ngành, khu vực sẽ chủ động thông báo cho các đơn vị được kiểm toán, đồng thời cũng gửi cho các cơ quan thanh tra và các địa phương để họ biết rõ danh mục kiểm toán năm 2018. Kế hoạch kiểm toán năm 2018 sẽ được ban hành sớm và đăng tải lên các phương tiện thông tin đại chúng ngay sau khi ký ban hành.

HỒNG THOAN