Nhiều hoạt động hưởng ứng “Ngày không tiền mặt 2021”
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 10:59, 14/06/2021
(BKTO) - Chương trình “Ngày không tiền mặt năm 2021” sẽ có nhiều hoạt động đổi mới và ưu đãi hấp dẫn từ các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán...
Ảnh minh họa - Nguồn Internet |
Ngày không tiền mặt - 16/6 do báo Tuổi Trẻ đề xuất từ năm 2019, là ngày phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) được khuyến khích sử dụng khi mua sắm, giao dịch thanh toán và người tiêu dùng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ.
Tiếp nối thành công từ hai năm 2019 và 2020, Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Thanh Toán và Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước), Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) công bố Chương trình “Ngày không tiền mặt 2021”.
Chương trình năm nay sẽ được tổ chức với sự đồng hành của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, Fintech, các DN sản xuất, dịch vụ, thương mại… với nhiều hoạt động đổi mới, hướng đến giới trẻ như: sinh viên, người tiêu dùng phổ thông, công nhân, người thu nhập trung bình, thấp.
Các sự kiện trong khuôn khổ Chương trình Ngày không tiền mặt năm 2021: Cuộc thi “Rap cùng Lona” và hoạt động Online Game - Đấu trường không tiền mặt “Đoán đúng - trúng quà”, Hội thảo về kinh nghiệm và công cụ quản lý tài chính cá nhân dành cho sinh viên, Chương trình Giỏ hàng nghĩa tình mùa dịch, Livestream “Một ngày không tiền mặt” trên Fanpage TuoiTre và Fanpage Ngày không tiền mặt, MegaSale của các DN đồng hành, Hội thảo “Việt Nam nỗ lực tiến tới quốc gia không tiền mặt”… Ban Tổ chức cũng công bố MV “Tap, Ting, Haha Hey!” là bài hát chính của Chương trình với mong muốn bài hát sẽ làm lan tỏa ý nghĩa và những lợi ích của việc TTKDTM một cách gần gũi. |
Do dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, cả nước đang chung tay phòng chống dịch nên Ban Tổ chức cùng với các đơn vị đồng hành thống nhất tập trung cho các hoạt động online.
Trong đó, rất nhiều chính sách ưu đãi dành cho người tiêu dùng trong dịp này, với sự tham gia của các ngân hàng như: Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HdBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), các đơn vị trung gian thanh toán và Fintech như: Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), VISA, JCB, ShopeePay, Momo, ZaloPay, VNPay, các đơn vị bán lẻ, DN dịch vụ như: Saigon Co.op, VietjetAir...
Trong khuôn khổ Chương trình “Ngày không tiền mặt”, ngày 15/6, NAPAS và 14 ngân hàng thành viên chính thức công bố nhận diện thương hiệu VietQR và Dịch vụ Chuyển tiền nhanh NAPAS247 bằng mã QR (gọi tắt là Chuyển nhanh NAPAS247) cho phép khách hàng chuyển tiền từ tài khoản của mình tới tài khoản tại một ngân hàng khác trong mạng lưới của NAPAS theo phương thức chuyển tiền nhanh 24/7 (24 giờ trên/ngày, 7 ngày/tuần). Mỗi khách hàng có thể thực hiện khởi tạo mã QR cá nhân tại ứng dụng thanh toán mobile banking của các ngân hàng hoặc tại website Vietqr.net.
Thông qua chuỗi sự kiện, “Ngày không tiền mặt năm 2021” sẽ tạo cơ hội cho người dân trên cả nước, đặc biệt là giới trẻ, công nhân, người thu nhập trung bình thấp được trải nghiệm và thấy rõ hơn lợi ích của các phương tiện thanh toán điện tử mang lại, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp.
Chương trình “Ngày không tiền mặt năm 2021” tiếp tục góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các Đề án của Chính phủ (Phát triển TTKDTM giai đoạn 2016-2020; Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công); đồng thời triển khai Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030./.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 4/2021, có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động, toàn thị trường hiện có khoảng hơn 271 nghìn POS và hơn 19 nghìn ATM. Giao dịch qua kênh internet tăng tương ứng 65,9% về số lượng và 31,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 86,3% về số lượng và 123,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, giao dịch qua kênh QR tăng tương ứng 95,7% về số lượng và 181,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. |
THÀNH ĐỨC