Kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015 - Kỳ II: Nhà nước chịu thất thoát, nhà đầu tư hưởng lợi

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 06:25, 29/12/2016

(BKTO) - Qua kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015, KTNN đã phân tích và thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan tới tái cơ cấu DNNN khiến Nhà nước có thể bị thất thu, còn nhà đầu tư hưởng lợi.



Qua kiểm toán cho thấy, việc bán đấu giá cổ phần theo lô thường đạt được giá bán cao hơn nhiều so với giá khởi điểm. Ảnh: TS
Không phản ánh đầy đủgiá trị thực của DN

Một trong những bất cập được phát hiện qua kiểm toán là hầu hết các DN đã niêm yết thuộc tập đoàn (TĐ) kinh tế, tổng công ty (TCT) nhà nước khi thoái vốn nhà nước đều không xác định giá bán tối thiểu, ngoại trừ SCIC. Trong điều kiện thị trường chứng khoán Việt Nam còn sơ khai, thanh khoản thấp, nhiều biểu hiện thao túng giá cổ phiếu, giá thị trường cổ phiếu trên sàn không phản ánh đầy đủ giá trị thực của DN… Nếu không xác định giá bán tối thiểu có thể bị lợi dụng thao túng giá cổ phiếu, dễ làm giá cổ phiếu. Do đó, để thoái vốn hiệu quả, ngăn ngừa thất thoát, theo KTNN, cần quy định xác định giá tối thiểu, phản ánh đúng giá trị thực của DN và chỉ thực hiện thoái vốn khi giá trị trường cao hơn giá tối thiểu.

KTNN cũng nhận định rằng việc bán vốn DN chưa niêm yết theo cơ chế đặc thù 30:70 (đấu giá công khai 30%, bán thỏa thuận 70% cho nhà đầu tư chiến lược hoặc thỏa thuận 70% cho người lao động theo Điều 14 Nghị định 151/2013/NĐ-CP) của SCIC không hiệu quả. Qua phân tích số liệu tại SCIC cho thấy, nếu bán vốn theo hình thức đấu giá công khai, rộng rãi thì cho kết quả giá cao hơn nhiều so với bán vốn theo hình thức 30:70, đặc biệt trường hợp thoái vốn đối với DN thuê đất Nhà nước có diện tích lớn, có lợi thế về vị trí… Minh chứng cụ thể là có 22/32 đơn vị mà SCIC thoái vốn theo hình thức 30:70 có giá bán cao hơn giá khởi điểm không quá 3%, trong khi các đơn vị có lợi thế về đất bán đấu giá công khai cho kết quả cao gấp nhiều lần giá khởi điểm.

Bên cạnh đó, chính sách bán cổ phần theo lô tuy đã giúp các DN tránh được tình trạng phải tổ chức nhiều cuộc đấu giá mới bán hết số cổ phần cần bán, từ đó đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và nâng cao hiệu quả bán vốn nhà nước, nhưng thực tế cũng nảy sinh nhiều bất cập. Qua kiểm toán cho thấy, việc bán đấu giá cổ phần theo lô thường đạt được giá bán cao hơn nhiều so với giá khởi điểm. Nguyên nhân là do các nhà đầu tư mua cổ phần nhằm mục đích nắm quyền chi phối, kiểm soát DN. Tuy nhiên, cũng xuất phát từ mục đích đó nên việc bán theo lô cũng dễ xảy ra hiện tượng nhóm lợi ích thâu tóm DN, làm ảnh hưởng đến sự ổn định sản xuất kinh doanh và lợi ích người lao động trong DN.

Đánh giá về phương thức giao dịch thoái vốn DN niêm yết, KTNN cho rằng quy định tại Nghị định 91/2015/NĐ-CP là không phù hợp với thực tế. Bởi tại Điểm a, Khoản 4, Điều 38 của Nghị định này quy định việc chuyển nhượng vốn/cổ phiếu chỉ thực hiện theo phương thức khớp lệnh, thỏa thuận trên sàn, mà không được áp dụng phương thức giao dịch khác như đấu giá công khai, bán cả lô toàn bộ số cổ phần thông qua đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh hoặc phương thức chuyển nhượng khác không thấp hơn giá thị trường tại thời điểm giao dịch…

Do quy định bó hẹp phương thức giao dịch nên chưa đảm bảo tính hiệu quả khi thoái vốn. Qua kiểm toán tại SCIC, KTNN cho biết, giai đoạn 2014-2015, SCIC đã thoái vốn 14/34 DN theo hình thức thỏa thuận với giá cao hơn biên độ trên sàn, trong trường hợp này phải thực hiện chuyển nhượng qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán.

Phương thức đặt lệnh không được quy định rõ ràng, nhất quán cũng chính là một điểm còn bất cập mà KTNN đã phát hiện. Đến nay do chưa có quy định bắt buộc về quy trình đặt lệnh bán vốn nhà nước nên dẫn đến tình trạng tùy tiện trong việc thực hiện đặt lệnh, nhiều trường hợp bán vốn nhà nước với giá thấp, thậm chí bán cổ phiếu với giá sàn.

Những kẽ hở có thể gây thất thoát vốn

KTNN cũng nêu rõ, các quy định hiện hành chưa có hướng dẫn về tiêu chí cổ đông chiến lược, thời gian tối thiểu cổ đông chiến lược nắm giữ cổ phần trong trường hợp thoái vốn, phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Hiện tại, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược chủ yếu là tiêu chí về năng lực tài chính. Điều này đã tạo ra rào cản đối với các nhà đầu tư tham gia có năng lực về chuyên môn, có thể hỗ trợ DN trong chuyển giao công nghệ, quản trị DN, phát triển thị trường.

Một kẽ hở nữa là hiện vẫn chưa có văn bản nào quy định về các biện pháp hay chế tài nhằm đảm bảo việc thực hiện các cam kết của nhà đầu tư, mặc dù tại Khoản 2, Điều 6 Quyết định 41/2015/QĐ-TTg quy định nhà đầu tư tham gia mua cổ phần theo lô là các nhà đầu tư có năng lực tài chính, có cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với DN, có phương án tiếp tục sử dụng lao động hiện có, hỗ trợ DN để mở rộng thị trường, nâng cao năng lực tài chính, quản trị DN… Do đó, trên thực tế, một số DN có lợi thế về đất đã bị các nhà đầu tư thâu tóm, thực chất chỉ để lấy đất, triển khai dự án bất động sản, không thực hiện hỗ trợ DN như cam kết.

Theo KTNN, quyền thuê đất Nhà nước đều có giá trị lợi thế, đặc biệt đối với các DN có quỹ đất lớn, vị trí đắc địa, có lợi thế kinh doanh, phát triển dự án bất động sản… Tuy nhiên, hầu hết các TĐ, TCT đều không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất Nhà nước vào giá trị DN khi cổ phần hóa hoặc vào giá khởi điểm khi thoái vốn nhà nước tại DN (ngoại trừ một số DN thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông - VNPT). Điều này khiến cho giá trị DN khi cổ phần hóa hoặc giá khởi điểm khi thoái vốn không phản ánh sát giá giao dịch thị trường, tạo kẽ hở để có thể lợi dụng gây thất thoát vốn nhà nước khi cổ phần hóa, thoái vốn.

Hơn nữa, qua kiểm toán cho thấy thực tế là một số DN có quỹ đất lớn, vị trí có lợi thế kinh doanh nhưng không còn nhu cầu sử dụng hoặc trong diện phải di dời nhưng không thực hiện trả lại đất cho Nhà nước mà kêu gọi nhà đầu tư cùng liên doanh, hợp tác đầu tư bằng cách góp giá trị lợi thế quyền thuê đất để khai thác quỹ đất hiện có, sau đó thực hiện chuyển nhượng, thoái phần vốn góp bằng giá trị lợi thế quyền thuê đất sau khi hoàn thành các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, triển khai dự án bất động sản. Như vậy, thực chất là đã lách luật để chuyển nhượng đất cho nhà đầu tư, việc thành lập công ty liên doanh, hợp tác đầu tư chỉ là hình thức và không minh bạch trong phương pháp xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất khi góp vốn.

PHÚC KHANG