Chú trọng nâng cao kỹ năng nghề, tạo thuận lợi cho người học nghề học văn hóa trong trường nghề
Xã hội - Ngày đăng : 09:00, 16/06/2021
(BKTO) – Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được quy định trong Chỉ thị số 16/CT-TTg về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 14/6/2021.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và quốc tế; sự bùng nổ của khoa học công nghệ và nhất là dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến việc làm và thị trường lao động có nhiều chuyển dịch. Do đó, để thích ứng với các vấn đề nêu trên, Chỉ thị nêu rõ: Các Bộ, ngành chú trọng xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động trong việc nâng cao trình độ, chuyển đổi nghề nghiệp…
Bộ GD&ĐT cần phải tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở GDNN tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học nghề ngay tại cơ sở GDNN. |
Theo đó, bên cạnh những quy định, yêu cầu quan trọng về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động, Chỉ thị yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo ngành giáo dục các cấp hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông (THPT) cho học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở (THCS) để đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa giáo dục phổ thông ngay tại cơ sở GDNN, nhất là đối với con em công nhân lao động…
Liên quan đến việc giảng dạy văn hóa giáo dục phổ thông cho học sinh học nghề đã tốt nghiệp THCS, hiện, Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo Thông tư Quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở GDNN dành cho học sinh tốt nghiệp THCS theo học trình độ trung cấp.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã yêu cầu Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan khác phối hợp để giải quyết một số vướng mắc, bất cập hiện nay trong công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS. Các biện pháp giải quyết phải trên tinh thần đảm bảo lợi ích người học; tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ, giải quyết vướng mắc trong thời gian tới để các cơ sở giáo dục và toàn xã hội tham gia đổi mới giáo dục.
Với những vướng mắc do các quy định của pháp luật chưa đồng bộ, cần tập trung giải quyết ngay theo thẩm quyền theo hướng vận dụng tối đa các quy định để giải quyết trước mắt, đồng thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật cho phù hợp.
Thực tế ở nhiều địa phương, trong những năm gần đây, số học sinh tốt nghiệp THCS vào học GDNN ngày càng đông, trong số đó có đến trên 80% có nhu cầu học văn hóa THPT để tham dự kỳ thi quốc gia và lấy bằng tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, nhiều cơ sở GDNN ở các địa phương đã không được tiếp tục thực hiện giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT. Các cơ sở GDNN phải liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên để giảng dạy, chứ không được tự tổ chức giảng dạy, mặc dù trước đây đã được Sở GD&ĐT cho phép. Điều này đã tạo ra nhiều rào cản, gây khó khăn cho hoạt động GDNN cũng như bất tiện cho người học.
NGUYỄN LỘC