Quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017

Đối nội - Ngày đăng : 23:06, 03/08/2017

(BKTO) - Chiều 03/8, phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng7/2017 đã diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòngChính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.


Cùng dự phiên họp báo có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đại diện lãnh đạo các Bộ: Công an, Nội vụ, Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Y tế, Ngân hàng Nhà nước và UBND TP. Hà Nội.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo.

Mở đầu phiên họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, ngày 03/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2017.

Trong buổi sáng Chính phủ tập trung thảo luận về vấn đề xây dựng thể chế, nghe các cơ quan báo cáo dự án luật an ninh mạng; dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thể dục thể thao; báo cáo đề xuất Chính phủ về việc xây dựng nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động đường thuỷ nội địa. Đặc biệt, Chính phủ cũng nghe, thảo luận, cho ý kiến đề án quy hoạch phát triển quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 do Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan chủ trì báo cáo.

Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của tháng 7 và 7 tháng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chỉ số tiêu dùng tiếp tục được kiểm soát và tháng 7 tăng 0,31% so với tháng 12/2016 và tăng 0,11% so với tháng trước. Chỉ số CPI bình quân trong phạm vi bảo đảm kiểm soát. Đặc biệt tín dụng tăng trưởng cao nhất cùng kỳ của 6 năm gần đây, tăng 8,92% so với tháng 12/2016 trong khi cùng kỳ của năm 2016 tăng 8,02%. Lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đều giảm. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại kỳ họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2017 phấn đấu giảm từ 0,5-1% thì nay các ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần đều đã giảm.

Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, đạt 18,7%. Thu ngân sách đạt 48,2% so với dự toán năm 2017. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt; công nghiệp chuyển biến tích cực, các lĩnh vực sản xuất công nghiệp tăng 6,5% mặc dù khai khoáng tăng trưởng âm 7,5% so với cùng kỳ; chế biến, chế tạo tăng 10,6%. Tổng mức hàng hoá bán lẻ, dịch vụ tăng 10%. Đến thời điểm này chúng ta đã có 7,24 triệu khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 28,8% so với cùng kỳ của năm 2016. Đây là dấu hiệu tích cực cho ngành du lịch sau khi thực hiện một số giải pháp như miễn visa, cấp visa điện tử cho khách quốc tế đến Việt Nam.

Môi trường kinh doanh thực sự đang có sự cải tiến. Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân, có thể nói môi trường kinh doanh được các DN tư nhân đánh giá có sự cải thiện rất tốt, tích cực hơn thời điểm của năm trước. Từ đó vốn FDI tăng mạnh, tăng 22% so với năm trước về vốn đăng ký với 21,9 tỷ USD và vốn giải ngân có khá hơn. Trong 7 tháng có 73.000 DN thành lập mới, tăng 13,8% về số DN và tăng 39% về số vốn; có 17.000 DN hoạt động trở lại, tăng 5% so với cùng kỳ của năm 2016.

Quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng của 2017 là 6,7%. Quý I đạt tăng trưởng 5,15% và quý II đạt tăng trưởng 6,1%. Như vậy 6 tháng chúng ta đạt tăng trưởng 5,6% và quyết tâm 6 tháng còn lại chúng ta phải đạt tăng trưởng 7,43% để có mục tiêu chung của cả năm 2017 là tăng trưởng 6,7% từ các biện pháp tích cực của các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt là khối sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp, chế tạo.

Tại họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên các cơ quan báo chí về những vấn đề dư luận quan tâm trong thời gian qua: cách thức xử lý của Chính phủ đối với trường hợp nộp đơn xin nghỉ việc của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa; việc Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận chìm 1 triệu m3 chất thải liên quan đến Nhiệt điện Vĩnh Tân; thực trạng giải ngân gói tín dụng dành cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao…

Liên quan đến việc triển khai chương trình cho vay khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 7/3/2017, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết: Sau khi có Nghị quyết 30, ngày 24/4, NHNN đã ban hành quyết định về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tiếp đó vào 27/4, Thống đốc NHNN đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng dành nguồn vốn để thực hiện cho vay chương trình này. Hiện nay, dư nợ của các ngân hàng thương mại cho vay theo chương trình này vào khoảng 32.000 tỷ đồng. Thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với các bộ ban ngành để thúc đẩy triển khai chương trình này.

PHÙNG NGUYÊN