Cần tổng kết, đánh giá toàn diện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Chính trị - Ngày đăng : 14:30, 17/06/2021

(BKTO) - Thẩm tra sơ bộ Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 và giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm của Chính phủ, Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 để đưa ra các dự báo, kịch bản, đề xuất phù hợp nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn. Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng tình với đề xuất này.


Triển khai chậm, chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nêu rõ, việc triển khai chính sách hỗ trợ người lao động, DN và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, việc thực hiện các gói hỗ trợ đã góp phần khắc phục những khó khăn trong đời sống của nhân dân, người lao động và hoạt động của DN bị ảnh hưởng bởi tác động của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, việc triển khai các gói hỗ trợ còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn.

Triển khai chậm và chưa hiệu quả cũng là nhận xét chung của nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 57 vừa qua khi cho ý kiến về vấn đề này. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh dẫn chứng, việc triển khai Nghị quyết 135/2020/QH14 về hỗ trợ Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đến nay tốc độ thực hiện rất chậm.

Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 194/NQ-CP về triển khai tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines, theo đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, không bao gồm các tổ chức tín dụng đã kiểm soát đặc biệt... song theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho đến hiện nay mới có Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đang đẩy nhanh việc xem xét mua cổ phần của Vietnam Airlines. Còn các ngân hàng mới có cam kết về vay 4.000 tỷ đồng và các bên đang thỏa thuận hoàn tất các thủ tục đàm phán ký kết hợp đồng tín dụng.
                
   

Các chính sách hỗ trợ đối với người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng - Ảnh minh họa: TTXVN

   

Tương tự, đối với việc thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ, bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng, mục tiêu của chính sách đặt ra với kết quả đạt được không như kỳ vọng, khi mà số đối tượng thụ hưởng và tỷ lệ giải ngân rất thấp.

“Nhóm đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không bảo đảm mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, gần như không tiếp cận được chính sách hỗ trợ trực tiếp và chỉ có 3,6% gói hỗ trợ được giải ngân cho nhóm đối tượng này” - bà Thúy Anh nêu con số, đồng thời chỉ rõ, một số quy định để hướng dẫn thực hiện còn cứng nhắc và chưa sát với thực tiễn. Một số quy định rất khó thực hiện, thậm chí làm cho các địa phương tốn kém thời gian, nguồn lực để triển khai thực hiện.

Cần có tổng kết, đánh giá trước khi ban hành chính sách mới

Từ thực tế trên, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá toàn diện các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 để đưa ra các dự báo, kịch bản, đề xuất phù hợp nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, việc thực hiện một số chính sách chi ngân sách cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 chưa đạt kết quả như dự kiến. Do chưa dự báo được đầy đủ tác động của đại dịch Covid-19 trên từng địa bàn nên việc xác nhận đối tượng là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm để được nhận hỗ trợ gặp nhiều khó khăn, dẫn đến giảm cả đối tượng và số tiền trợ cấp. Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ tiếp tục theo dõi sát sao để kịp thời điều chỉnh hoặc ban hành chính sách mới nhằm tiếp tục hỗ trợ cho DN và người dân ứng phó với đại dịch Covid-19.

Đồng tình với đề xuất trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, nên đánh giá thêm việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đây là nguồn lực rất lớn, tuy nhiên, việc thực hiện chưa đạt được mục tiêu, có nội dung chỉ đạt 0,26% quy mô hỗ trợ. Vì vậy, cần phải làm rõ hơn, đánh giá kỹ thêm nguyên nhân khách quan, chủ quan cũng như kế hoạch tiếp theo như thế nào.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh kiến nghị, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá toàn diện về các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng Covid-19 để đưa ra các dự báo, kịch bản phù hợp hơn nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn, đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng và quan điểm chỉ đạo mới về phòng, chống dịch bệnh.

Bà Nguyễn Thúy Anh cũng đề xuất, khi xây dựng chính sách hỗ trợ mới, Chính phủ cần nghiên cứu cụ thể các đề xuất chính sách của địa phương và các đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt là tập trung hỗ trợ cho DN, trong đó có chọn lọc, phân loại ngành, nghề để hỗ trợ có điều kiện, tiêu chí cụ thể, bảo đảm DN có thể tiếp cận thuận lợi và tránh hiện tượng trục lợi chính sách, ưu tiên hỗ trợ DN đang có đơn hàng sản xuất, kinh doanh tốt, có đóng góp trong phát triển kinh tế nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh không thể tiếp tục duy trì sản xuất theo kế hoạch.

Đối với các hỗ trợ cho người dân, cần đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ các đối tượng thực sự bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu do ảnh hưởng của đại dịch.

Đồng thời, trong quá trình thực thi các chính sách hỗ trợ cần phải rõ ràng và minh bạch về thủ tục cũng như đối tượng được hưởng các gói chính sách, giảm thiểu phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Chính phủ phải báo cáo vấn đề này trước khi có chính sách mới.

Chủ tịch Quốc hội nhận xét, nhiều chính sách rất tốt như vấn đề tài khoản, miễn giảm, giãn hoãn thuế đi vào cuộc sống rất nhanh. Nhưng nhiều chính sách DN, người dân không tiếp cận được thì do thể chế, do hướng dẫn hay là do tổ chức thực hiện, điển hình như gói 16.000 tỷ đồng cho vay để trả lương hầu như không tiếp cận được.

“Chính phủ phải báo cáo về việc này, trước khi có cái gì mới, chúng ta phải tổng kết cái cũ xem thế nào; chính sách có trúng đối tượng không và tổ chức thực hiện thế nào” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
N. HỒNG