Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều sai phạm trong thu, chi ngân sách

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 21:20, 05/08/2017

(BKTO) – Vừa qua, KTNN đã tổ chức Họp báo công bố Báocáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2016 và kết quả thực hiện kết luận, kiếnnghị kiểm toán năm 2015 của KTNN. Họp báo đã thu hút sự quan tâm, đến tham dựđưa tin của nhiều cơ quan báo chí. Báo điện tử Kiểm toán trân trọng giới thiệutới độc giả bài viết của Báo điện tử Đangcongsan.vn.



KTNN công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2016. Ảnh: KT

Chiều 21/7, KTNN họp báo công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2016 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2015. Theo đó, nhiều sai sót trong thu, chi NSNN đã được KTNN phát hiện trong những năm vừa qua vẫn lặp lại trong kết quả báo cáo kiểm toán năm 2016.

Nhiều sai phạm lặp lại qua các năm

Năm 2016, KTNN đã tiến hành kiểm toán tại 204 đơn vị (đầu mối, chủ đề).

Ông Trần Khánh Hòa - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp KTNN cho biết, qua kiểm toán cho thấy báo cáo quyết toán NSNN năm 2015 do Chính phủ lập được tổng hợp đầy đủ từ báo cáo quyết toán ngân sách của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và báo cáo quyết toán của các đơn vị dự toán cấp I trực thuộc Ngân sách Trung ương.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại trong quản lý thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) đã được nêu từ những năm trước.

Trong đó, về dự toán thu NSNN, KTNN chỉ ra tổng hợp dự toán thu NSNN do các địa phương lập chưa đảm bảo mức tăng bình quân tối thiểu (thu nội địa không kể thu từ dầu thô và thu tiền sử dụng đất 14%-16%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 6%-8%) theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 14/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng dự toán NSNN năm 2015. Cá biệt, một số tỉnh được giao dự toán có mức tăng thấp (dưới 5%) so với ước thực hiện năm 2014 nhưng kết quả thực hiện vượt dự toán cao. Báo cáo nêu rõ: Tỉnh Đắk Nông dự toán giao bằng 100,9% ước thực hiện năm 2014, thực hiện vượt 25% so với dự toán giao; Bến Tre dự toán giao 101,9%, thực hiện vượt 21,1%; Gia Lai dự toán giao 103,1%, thực hiện vượt 18,7%; Thái Nguyên dự toán giao 102,4%, thực hiện vượt 61%; Thái Bình dự toán giao 104%, thực hiện vượt 35,9%; Khánh Hòa dự toán giao 104,4%, thực hiện vượt 12,8%; Sơn La dự toán giao 104,9%, thực hiện vượt 16%.

Ngoài ra, qua kiểm toán còn cho thấy: Một số bộ, cơ quan trung ương lập dự toán phí, lệ phí thấp hơn số thông báo của Bộ Tài chính, không lập dự toán thu hoặc lập chưa đầy đủ, giao dự toán còn chậm so với quy định.

21/46 địa phương được kiểm toán khi lập dự toán gửi Bộ Tài chính đã ước thực hiện thu năm 2014 thấp so với khả năng thực hiện; 12/46 địa phương dự kiến chưa đầy đủ, bao quát hết nguồn thu trên địa bàn; 6/46 địa phương không lập dự toán một số khoản thu để lại đơn vị quản lý qua ngân sách; 03/46 địa phương HĐND giao dự toán thu nội địa trừ dầu thô cao hơn dự toán do TW giao nhưng khi thực hiện lại hụt thu so với dự toán HĐND giao.

Về dự toán chi thường xuyên, KTNN kết luận Bộ Tài chính thống nhất phương án phân bổ cho một số bộ, cơ quan trung ương chậm; chưa chấp hành nghiêm chỉnh Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 21/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiên quyết dừng triển khai và thu hồi các khoản đã giao trong dự toán đầu năm nhưng đến ngày 30/6/2015 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu... để bổ sung dự phòng NSTW 123,19 tỷ đồng.

Một số bộ, cơ quan trung ương được kiểm toán lập dự toán cao so với khả năng đáp ứng của NSNN, cao hơn so với số dự kiến Bộ Tài chính giao, giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc chưa đảm bảo theo quy định.

Một số địa phương xác định thiếu phần tiết kiệm chi thường xuyên để thực hiện cải cách tiền lương; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho một số hội, câu lạc bộ không thuộc danh mục theo quy định của Chính phủ; bố trí chưa đảm bảo tối thiểu 10% tiền sử dụng đất để thực hiện công tác đo đạc, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định; bố trí dự toán chi thường xuyên cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề thấp hơn mức Trung ương giao; bố trí không đủ dự toán để trả các khoản nợ vay đến hạn; bố trí dự phòng ngân sách cấp tỉnh hoặc cấp huyện chưa đảm bảo tỷ lệ theo quy định; phân bổ dự toán cho một số đơn vị nhưng không có nhiệm vụ chi cụ thể; bổ sung dự toán nhiều lần trong năm; 43/46 địa phương được kiểm toán chưa phân bổ hết dự toán cho các đơn vị từ đầu năm…

Kiến nghị nộp ngân sách tăng thêm hơn 11 nghìn tỷ

KTNN kết luận, tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế GTGT, thuế TNDN và lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN… vẫn diễn ra khá phổ biến tại các doanh nghiệp, đơn vị được kiểm toán. Kết quả kiểm toán, KTNN xác định số phải nộp NSNN tăng thêm 11.364 tỷ đồng, trong đó một số đơn vị có kiến nghị nộp NSNN lớn như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) 2.054 tỷ đồng; Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV 1.755 tỷ đồng; Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV 1.264 tỷ đồng.... Đặc biệt, qua đối chiếu 1.653 người nộp thuế, KTNN kiến nghị các khoản phải nộp NSNN tăng thêm 2.050,6 tỷ đồng, trong đó có doanh nghiệp qua đối chiếu thuế phải nộp NSNN tăng thêm 882 tỷ đồng; cá biệt qua đối chiếu thuế, KTNN đã chuyển 01 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật về các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự đối với Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Dầu khí Hoàng Ngân về việc phát sinh một số giao dịch mua bán lớn (hàng tỷ đồng) bất thường, đáng ngờ, có dấu hiệu mua bán hóa đơn.

KTNN cũng chỉ ra nhiều hạn chế trong công tác quản lý thu, chống thất thu thuế. Cụ thể, một số Cục thuế không hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế đã được giao; qua chọn mẫu kiểm tra hồ sơ thanh tra, kiểm tra thuế cho thấy còn hạn chế trong hoạt động thanh tra, kiểm tra từ hồ sơ, mẫu biểu, nội dung, phạm vi đến kết quả xử lý sai phạm; đặc biệt còn cơ quan thuế xử lý kết quả thanh, kiểm tra không phù hợp quy định của pháp luật hoặc truy thu thiếu thuế, tính thiếu tiền chậm nộp; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế qua kết quả thanh tra, kiểm tra chưa đầy đủ ...

Công tác quản lý thu tiền thuê mặt đất, mặt nước còn hạn chế, sai sót: Cho thuê đất đã hết thời kỳ ổn định giá thuê đất nhưng chưa điều chỉnh lại đơn giá thu tiền thuê đất (Cục Thuế tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Hải Dương, Nam Định, Kiên Giang, Bến Tre, Gia Lai. Đặc biệt tỉnh Phú Thọ chưa điều chỉnh đơn giá thuê đất trong khu công nghiệp cho Công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp theo quy định, dẫn đến thất thu ngân sách 9,4 tỷ đồng). Xác định đơn giá tiền thuê đất chưa đúng quy định; chưa thực hiện thu tiền thuê mặt nước theo quy định tại Nghị định số 142/2005/NĐ-CP đối với các lô mỏ do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam quản lý thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; tính tiền thuê mặt nước đối với Liên doanh Vietsopetro chưa đúng quy định 97,5 tỷ đồng; xác định miễn giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp không đúng quy định, có khả năng gây thất thu NSNN 91,99 tỷ đồng (Cục thuế tỉnh Hà Nam); xác định thời điểm miễn tiền thuê đất không đúng quy định; một số đơn vị sử dụng đất vào mục đích kinh doanh nhưng chưa được cấp có thẩm quyền cho thuê đất hoặc chưa ký hợp đồng thuê đất...

Ngoài các vấn đề trên, KTNN cũng kết luận còn nhiều hạn chế trong quản lý, sử dụng tài sản công và nhiều hạn chế của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước…
         
KTNN đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:
   
   (1) Chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời kiến nghị của KTNN trong năm 2016 đối với niên độ ngân sách năm 2015 là 38.776 tỷ đồng (tăng thu 11.365 tỷ đồng; giảm chi 16.174 tỷ đồng; nợ đọng phát hiện tăng thêm 1.569 tỷ đồng; phải nộp, hoàn trả và quản lý qua NSNN 9.104 tỷ đồng; xử lý khác 564 tỷ đồng).
   
   (2) Báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội về: (i) Số vốn TPCP dự phòng giai đoạn 2012-2015 chưa được giao kế hoạch 792,147 tỷ đồng; (ii) Việc chuyển đổi nguồn vốn đầu tư đối với 05 dự án đường bộ cao tốc của Tổng công ty Đầu tư đường cao tốc Việt Nam.
   
   (3) Chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị được kiểm toán xử lý các vấn đề về cơ chế, chính sách, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm đã nêu trong từng báo cáo kiểm toán; rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 150 văn bản không phù hợp với quy định chung của Nhà nước.
Theo KIM THANH
dangcongsan.vn