Sắp trình UNESCO công nhận Cửu đỉnh Huế là Di sản tư liệu thế giới

Đối nội - Ngày đăng : 21:49, 17/06/2021

(BKTO) - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế) đã hoàn thiện hồ sơ và đang thực hiện các bước cuối cùng để đệ trình UNESCO ghi danh Cửu đỉnh Huế là di sản tư liệu thế giới.


                
   

Hồ sơ về Cửu đỉnh Huế để đệ trình UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới đã hoàn thành. Ảnh:Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

   

Cửu đỉnh là chín cái đỉnh bằng đồng được vua Minh Mạng ra lệnh chế tác, khởi công đúc từ tháng 12 năm 1835, hơn một năm sau thì đúc xong và tiếp tục việc hoàn thiện. Trước khi đúc, triều đình tổ chức lễ cáo, đúc xong đưa tới đặt trước sân Thế Tổ Miếu (bên trong Hoàng Thành, Huế), sau lưng Hiển Lâm Các, làm lễ tạ, và từ đó, Cửu đỉnh còn nguyên ở vị trí này cho đến tận ngày nay.

Trải qua 200 năm, đi qua bao cuộc chiến tranh tàn khốc, song đến nay, Cửu đỉnh vẫn còn nguyên vẹn như ban đầu. Đây là những bản nguyên gốc và cũng là bản duy nhất, từ khi được hình thành. Cửu đỉnh chưa từng được sửa chữa, dù chỉ một chi tiết nhỏ, vì vậy, chúng có giá trị độc bản và không thể thay thế.

Với những giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo và duy nhất, bảo vật quốc gia Cửu đỉnh được đặt tại sân Thế Tổ Miếu, Đại Nội Huế đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xây dựng hồ sơ gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xem xét cho ý kiến trước khi đệ trình UNESCO công nhận Cửu đỉnh là Di sản tư liệu thế giới.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, ngoài những giá trị văn hóa, Cửu đỉnh còn được xem như một bộ cẩm nang có minh họa và chú thích đầu tiên của nước ta về sự đa dạng sinh học. Trong số 162 họa tiết chạm nổi trên Cửu đỉnh, có tới 90 hình ảnh về các loài động, thực vật đặc trưng của Việt Nam. Các họa tiết đều thể hiện một cách sống động, nhiều chỗ chạm khắc khá chi tiết những đặc điểm nổi bật của các loài.
                
   

Cửu đỉnh gắn liền với thụy hiệu của các vua nhà Nguyễn, được đặt ở vị trí đối diện với án thờ các vua bên trong Thế Tổ Miếu.
   Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

   

Bên cạnh đó, hình ảnh biển đảo của nước ta được chạm khắc rõ ràng trên Cửu đỉnh nhà Nguyễn cũng chứa đựng những giá trị lịch sử to lớn. Trong 9 đỉnh, có 3 đỉnh to cao nhất và quan trọng nhất có khắc biển đảo nước Việt, gồm: biển Đông ở Cao đỉnh, biển Nam ở Nhân đỉnh và biển Tây ở Chương đỉnh. Cùng với hàng loạt tài liệu Hán Nôm cổ, những hình ảnh biển đảo được khắc trên bộ Cửu đỉnh là một nguồn tư liệu quý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hiện nay, trên thế giới hiếm có trường hợp trong cùng một khu di tích lại được UNESCO ghi danh nhiều danh hiệu cao quý như Quần thể di tích Cố đô Huế: Di sản văn hóa Thế giới (năm 1993), Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Nhã nhạc cung đình Huế (năm 2003) và 3 Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới: Mộc bản triều Nguyễn (năm 2009), Châu bản triều Nguyễn (năm 2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (năm 2016).
NGUYỄN LỘC