Phòng ngừa lao động trẻ em: Cả xã hội phải cùng vào cuộc quyết liệt

Đối nội - Ngày đăng : 21:53, 17/06/2021

(BKTO) - Sử dụng lao động trẻ em là vấn đề ngày càng nan giải ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Trước tình trạng đó, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chương trình cụ thể nhằm phòng ngừa và giảm bớt lao động trẻ em. Tuy nhiên, nếu cả xã hội không nỗ lực chung tay thì vấn nạn lao động trẻ em rất khó có thể được giải quyết tận gốc.


                
                                              
      

Tải ảnh
      Việc phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn của toàn xã hội - Ảnh Internet

      
   
   

   
Xử lý nghiêm hành vi vi phạm
Đây là một trong những nội dung nổi bật tại Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Chương trình) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mục tiêu của Chương trình là nhằm phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp trẻ em lao động trái quy định của pháp luật (lao động trẻ em) và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em; phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,9%; 100% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em và trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột sức lao động khi có thông báo được hỗ trợ, can thiệp kịp thời, được quản lý, theo dõi; trên 90% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em được tiếp cận giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp.

Để đạt được các mục tiêu trên, Chương trình đưa ra các nhiệm vụ cụ thể như: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Nâng cao năng lực của chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là người sử dụng lao động về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.

Tăng cường phòng ngừa, phát hiện và hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em ở các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp cơ sở, chú trọng lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và trong các chuỗi cung ứng.

Việc ban hành Chương trình cho thấy quyết tâm của Đảng và Nhà nước bảo vệ thế hệ tương lai trước những nguy cơ bị áp bức, lao động sớm. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, lao động trẻ em vẫn chưa được nhìn nhận đúng, nhất là ở khu vực nông thôn, dân tộc thiểu số, tình trạng trẻ em phải làm việc sớm vẫn được coi là việc bình thường.

Theo kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em ở Việt Nam do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và Tổng cục Thống kê công bố vào cuối năm 2020 cho thấy, cả nước có khoảng 5,3% trẻ em và người chưa thành niên, độ tuổi từ 5 đến 17 tuổi là lao động trẻ em.

Đáng quan tâm hơn, lao động trẻ em tập trung chủ yếu ở nông thôn, thường làm những công việc thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ. Hơn 50% lao động trẻ em phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc, độc hại. Thời gian làm việc của lao động trẻ em làm công việc nặng nhọc khá dài, với 40,6% số trẻ ở nhóm này phải làm việc nhiều hơn 40 giờ/tuần.

Cần sự nỗ lực của toàn xã hội
Những tháng đầu năm 2021, tuy chưa có thống kê cụ thể song theo nhận định của Bộ LĐ-TB&XH, dưới ảnh hưởng của dịch Covi-19, lao động trẻ em có xu hướng gia tăng.

Theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, việc bắt trẻ em lao động sớm không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ sức khỏe của trẻ mà còn khiến trẻ bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý. Chính vì vậy, đã đến lúc mỗi gia đình, bậc phụ huynh cần phải nhìn nhận đúng hơn về vấn đề này.

Cùng với đó, các địa phương cần thể hiện rõ trách nhiệm, vai trò của mình, trong đó, bên cạnh tuyên truyền, cần phải tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa lao động trẻ em; khi phát hiện sai phạm, phải cương quyết xử lý. Có như vậy, vấn đề lao động trẻ em mới được giải quyết triệt để.

Thực tế tại Hà Nội, ngoài các chính sách chung, những năm gần đây, các cơ quan chức năng của Thành phố thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về lao động trẻ em; giám sát, kiểm tra công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, trong đó có nội dung phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Ngoài ra, Thành phố thí điểm xây dựng mô hình hỗ trợ, can thiệp để giảm thiểu lao động trẻ em tại địa phương có nghề truyền thống ở các huyện Chương Mỹ, Gia Lâm, Hoài Đức và Thạch Thất. Nhờ đó, từ năm 2016 đến nay, Hà Nội có gần 20.000 trẻ em và gần 2.000 hộ gia đình có trẻ em đứng trước nguy cơ phải tham gia lao động sớm đã nhận được sự hỗ trợ về nhiều mặt. Toàn Thành phố không có trẻ em phải tham gia lao động sớm trái quy định của pháp luật.

Thực tế này cho thấy, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương giúp công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân cũng như việc thực thi chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em đạt hiệu quả cao.

“Sự tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm của cả xã hội, từ các cơ quan nhà nước, DN, công đoàn, các tổ chức xã hội đến các gia đình, cộng đồng sẽ giúp cho việc xây dựng, thực hiện luật pháp, chính sách về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em nói riêng và về quyền trẻ em nói chung được thực hiện tốt hơn và tương lai của các em, xa hơn là tương lai nguồn nhân lực của đất nước được bảo đảm” - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh./.
LÊ BẢO