Lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030
Đối nội - Ngày đăng : 21:06, 18/06/2021
(BKTO) - Chiều 17/6, Bộ Ngoại giao đã tổ chức cuộc họp Ban chỉ đạo Ngoại giao văn hóa lấy ý kiến về Dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020 và xây dựng Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030.
Quang cảnh cuộc họp - Ảnh: baoquocte.vn |
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang cho biết, công tác ngoại giao văn hóa là một trong ba trụ cột quan trọng của ngoại giao toàn diện Việt Nam. Theo đó, trong một thập niên qua, kể từ khi Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020 được phê duyệt, công tác ngoại giao văn hóa đã được triển khai sâu rộng và đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.
Đặc biệt, những kết quả thực tiễn ngoại giao văn hóa trong thời gian qua đã giúp chúng ta đúc rút được những kinh nghiệm, bài học sâu sắc, góp phần nâng tầm hoạt động ngoại giao văn hóa ở giai đoạn tiếp theo.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, cuộc họp là dịp để các thành viên Ban chỉ đạo Ngoại giao văn hóa cùng nhìn nhận lại những kết quả đã làm được và chưa làm được trong việc thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020, để có cơ sở xây dựng Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030. Qua đó, đóng góp vào việc xây dựng và triển khai thực hiện nhiệm vụ ngoại giao nói chung, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho ngành Ngoại giao tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo đã có nhiều góp ý, đề xuất cụ thể về nội dung của các Dự thảo Báo cáo, như đề xuất bổ sung những đánh giá về tầm quan trọng của ngoại giao văn hóa, xác định rõ hơn những đóng góp của ngoại giao văn hóa trong phát triển đối ngoại, phát triển đất nước….
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh, thời gian tới là thời điểm thuận lợi để hướng tới việc đổi mới cách thức tổ chức, triển khai hoạt động ngoại giao văn hóa Việt Nam trong một thập niên tiếp theo.
Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang, các thành viên Ban chỉ đạo cần xem xét lại và xác định, ở giai đoạn mới, nội dung, phương thức tổ chức và cách thức thực hiện cần phải được đổi mới cho phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế đang có những biến đổi liên tục, cần tiếp cận vấn đề xây dựng chính sách ngoại giao văn hóa trên cơ sở có sự kế thừa, nhưng phải sáng tạo để khi triển khai trong thực tiễn đạt được hiệu quả cao hơn./.
DIỆU THIỆN