Đổi mới cơ chế đầu tư tài chính, tạo đà cho công nghiệp văn hóa phát triển
Kinh tế - Ngày đăng : 08:56, 19/06/2021
(BKTO) - Hà Nội có tài nguyên văn hóa dồi dào nhưng nguồn vốn đầu tư phát triển cho lĩnh vực này lại tương đối eo hẹp. Bởi vậy, theo các chuyên gia, Thành phố cần đổi mới cơ chế đầu tư tài chính, tạo điều kiện để thu hút vốn nhằm phát triển công nghiệp văn hóa.
Bồi dưỡng năng lực và tạo môi trường sáng tạo cho những tài năng văn hóa để phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô |
Sáng 18/6, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp”.
Hướng tới mục tiêu tạo đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô
Tại Tọa đàm, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai cho biết: Đảng bộ TP. Hà Nội quyết định lựa chọn xây dựng Nghị quyết chuyên đề “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (một trong hai Nghị quyết chuyên đề được xác định trong cả nhiệm kỳ Đại hội) làm bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô.
Đây vừa là việc cụ thể hóa nhiệm vụ đặt ra trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ, Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, giai đoạn 2021-2025”, vừa là quyết tâm chính trị cao của Thành phố thực hiện cam kết với UNESCO trong việc xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” trên lĩnh vực “Thiết kế” của khu vực Đông Nam Á, với nền tảng là các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo.
Để đảm bảo tính khoa học và khả thi trong thực tiễn của Nghị quyết chuyên đề này, Thành ủy Hà Nội tiến hành triển khai xây dựng Đề án “Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó có khảo sát, đánh giá thực trạng, những thuận lợi, khó khăn của Thành phố, đồng thời, tham vấn sáng kiến của các chuyên gia. Đây là buổi Tọa đàm thứ hai với mong muốn nhận được sự đóng góp, tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các DN, cộng đồng sáng tạo đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trên 12 lĩnh vực được xác định trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Chính phủ.
Đổi mới cơ chế đầu tư trong lĩnh vực văn hóa
Tọa đàm đã thu hút trên 20 ý kiến tham luận, tập trung phân tích tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa; đánh giá nguồn lực kinh tế các ngành công nghiệp văn hóa có thể đóng góp vào tăng trưởng GRDP của Thủ đô cùng những thuận lợi, khó khăn trong quá trình phát triển các lĩnh vực công nghiệp văn hóa ở Thành phố.
Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý đánh giá: Hà Nội sở hữu nhiều điểm mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa bền vững nhưng cũng có những hạn chế như: Chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu, thông tin chuyên ngành cho công nghiệp văn hóa; thiếu liên kết chuyên ngành hiệu quả cao; thiếu kỹ năng chuyên môn và quản lý trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa; cơ chế đầu tư cho công nghiệp văn hóa còn chưa hợp lý...
Di sản văn hóa của Thành phố vừa giàu có, vừa đa dạng song những giá trị văn hóa từ di sản chưa được nhận diện một cách sâu sắc, gần gũi với sáng tạo văn hóa. Các sản phẩm văn hóa chưa độc đáo, chưa bản sắc, xứng tầm với vị thế của Thủ đô trong tương quan khu vực và quốc tế - TS. Lê Thị Minh Lý đưa ra nhận định .
Còn theo PGS,TS. Nguyễn Thị Thu Phương - Phó Viện trưởng Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, là một địa phương có nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào nhưng nguồn vốn đầu tư phát triển văn hóa lại tương đối eo hẹp, Hà Nội cần đổi mới cơ chế đầu tư tài chính trong lĩnh vực này. Đây là giải pháp quan trọng để phát huy sức mạnh mềm văn hóa Hà Nội song vấn đề cơ bản để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đòi hỏi phải có chính sách đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực mang tính đột phá...
Việc tạo ra "không gian sáng tạo" hay môi trường sáng tạo, hệ sinh thái sáng tạo cũng là một giải pháp quan trọng. Đồng thời, bồi dưỡng năng lực sáng tạo và tạo môi trường sáng tạo cho những tài năng văn hóa cũng là giải pháp căn bản phát triển ngành công nghiệp văn hóa bên cạnh giải pháp khác.
Tại sự kiện, các đại biểu trong nước và quốc tế cũng đã đóng góp cho Hà Nội những sáng kiến, kinh nghiệm tạo điều kiện thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển, trong đó tập trung vào nội dung tạo cơ chế đầu tư tài chính, thu hút vốn và hình thành hệ sinh thái thúc đẩy sáng tạo; đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, khoa học công nghệ cho phát triển công nghiệp văn hóa; chú trọng giáo dục sáng tạo văn hóa; tạo sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa…/.
THÙY LÊ