Tổ Covid cộng đồng: “Vũ khí” chống dịch độc đáo của Việt Nam

Chính trị - Ngày đăng : 09:47, 19/06/2021

(BKTO) - Với phương châm phát huy sức mạnh của toàn dân trong phòng, chống dịch Covid-19, Tổ Covid cộng đồng ra đời ngay từ những ngày đầu dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam đã thực sự phát huy hiệu quả, là “cánh tay nối dài” của các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống dịch.


Người có công lớn khai sinh ra mô hình Tổ Covid cộng đồng chính là PGS,TS. Trần Như Dương - Phó Viện trưởng viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Là một trong số những chuyên gia có mặt tại hầu hết các ổ dịch ở Việt Nam trong suốt 1,5 năm qua, từ Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), Đà Nẵng, Hải Dương và gần đây nhất là Bắc Giang, PGS,TS. Trần Như Dương nhận thấy rõ, khi dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng thì tình hình sẽ trở nên phức tạp, vì mầm bệnh đã xâm nhập và có thể xuất hiện ở bất cứ nơi đâu, bất cứ đối tượng nào.

Vì vậy, khi xuất hiện ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng, các lực lượng chức năng cần chủ động, khẩn trương triển khai ngay công tác tổ chức giám sát, phát hiện, lấy mẫu và cách ly tất cả những trường hợp có nghi ngờ. Thực hiện được điều này một cách có hệ thống, toàn diện và triệt để sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng giúp chúng ta sớm khoanh vùng, cách ly những khu vực có nguy cơ cao, từ đó làm suy giảm tốc độ lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, để làm được điều này, chỉ dựa vào lực lượng y tế là không đủ, mà cần phải huy động, vận dụng sức mạnh của toàn dân.

Xuất phát từ thực tế đó, mô hình Tổ Covid cộng đồng bắt đầu được áp dụng tại ổ dịch Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), sau đó đã được Bộ Y tế tham mưu cho các địa phương xây dựng và triển khai đồng bộ.
                
   

Thành viên Tổ Covid cộng đồng đến từng nhà dân kiểm tra thông tin - Ảnh: Bộ Y tế

   

Các Tổ Covid cộng đồng do UBND cấp xã/phường ra quyết định thành lập. Tổ hoạt động trên tinh thần tình nguyện với nòng cốt là các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể tại cộng đồng, tình nguyện viên tại khu dân cư dưới sự tổ chức, quản lý của chính quyền địa phương và sự hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật của ngành y tế. Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi Tổ phụ trách từ 40-50 hộ gia đình và có phân công danh sách hộ gia đình cụ thể cho từng Tổ.

Nhiệm vụ của Tổ là hằng ngày “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để truyền thông, vận động, nhắc nhở nhân dân các biện pháp phòng, chống dịch; yêu cầu và hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, chủ động khai báo y tế khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.

Tổ còn có nhiệm vụ hỏi, giám sát, phát hiện và báo cáo ngay bằng điện thoại cho chính quyền địa phương và y tế tuyến xã/phường những trường hợp nghi mắc Covid-19 phát hiện được tại các hộ gia đình; phát hiện, báo cáo các cấp có thẩm quyền những trường hợp không tự giác khai báo y tế, không chấp hành thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định và thực hiện các nhiệm vụ khác phù hợp với khả năng do Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp xã/phường phân công.

Ngay trong đợt dịch lần thứ 4 này, Bắc Giang là địa phương có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất nước với tốc độ lây nhiễm nhanh, trong khoảng thời gian ngắn. Với những kinh nghiệm đã đúc rút được từ các đợt dịch trước, vào giữa tháng 5/2021, sau khi vừa đặt chân tới Bắc Giang, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đứng đầu đã ngay lập tức tham mưu, tư vấn chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, chiến lược nhằm phòng, chống dịch một cách bài bản.

Trong đó, Bộ phận thường trực đặc biệt đã tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang chỉ đạo UBND các huyện, thành phố thành lập mạng lưới Tổ Covid cộng đồng, nhằm triển khai nhanh chóng, đồng bộ công tác điều tra, giám sát dịch tễ.

Chỉ trong một thời gian ngắn, toàn tỉnh Bắc Giang đã thành lập 10.643 Tổ Covid cộng đồng với 37.420 nhân lực. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao tới từ các cấp, ban, ngành, mạng lưới Tổ Covid cộng đồng tại Bắc Giang hoạt động khá hiệu quả. Qua hoạt động của mạng lưới Tổ Covid cộng đồng đã phát hiện hàng nghìn trường hợp có biểu hiện ho, sốt, qua đó thực hiện các biện pháp cần thiết một cách kịp thời nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh.

Điển hình như tại huyện Lục Nam - địa phương được đánh giá cao về công tác phòng, chống dịch theo phương châm “toàn dân, toàn diện” - toàn huyện có tới 1.400 Tổ Covid cộng đồng, với tổng số nhân lực gần 4.000 người. Ngoài việc đi từng ngõ, gõ từng nhà, mạng lưới Tổ Covid cộng đồng còn kiêm luôn quản lý điểm ra vào các khu vực dân cư do mình phụ trách.

HIệu quả hoạt động của Tổ Covid cộng đồng góp phần đặc biệt quan trọng trong việc kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Có thể nói, Tổ Covid cộng đồng là một “vũ khí” độc đáo của Việt Nam. Mô hình này đã giúp phát huy vai trò, sự sáng tạo của nhân dân, tạo nên sức mạnh đoàn kết trong cuộc chiến chung đẩy lùi dịch bệnh Covid-19./.
Đ. KHOA