Xây dựng xã hội học tập: Công nghệ là giải pháp đột phá, giúp lan tỏa tri thức
Đối nội - Ngày đăng : 04:54, 21/06/2021
(BKTO) - Tiếp nối thành quả triển khai Đề án “Xây dựng xã hội học tập (XHHT)" (Đề án) giai đoạn vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết sẽ chủ trì xây dựng và đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giai đoạn 10 năm 2021 - 2030. Việc thực hiện Đề án trong giai đoạn mới sẽ có nhiều thay đổi để phù hợp với xu thế của thời đại, trong đó ứng dụng công nghệ sẽ được coi là nhiệm vụ trọng tâm, là giải pháp đột phá để xây dựng và phát triển XHHT.
Nhiều kết quả quan trọng
Ngày 18/6, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thực hiện Đề án giai đoạn 2012 - 2020.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, sau 8 năm triển khai, Đề án đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT có chuyển biến tích cực. Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ được củng cố vững chắc. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được tăng cường. Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên tiếp tục được củng cố và phát triển nhanh chóng về số lượng, đa dạng về mô hình, hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân.
Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số sẽ là giải pháp đột phá, giúp lan tỏa |
Các thiết chế văn hóa, phương tiện thông tin đại chúng đã tham gia cung ứng chương trình học tập suốt đời và tổ chức chương trình giáo dục mở trên sóng phát thanh, truyền hình. Việc triển khai mô hình học tập được thực hiện linh hoạt, từng bước vững chắc, nhận được sự đồng thuận của nhân dân.
Trong 4 mục tiêu chính, Đề án đã đạt được 2 mục tiêu lớn là “Xoá mù chữ và phổ cập giáo dục”, “Học tập để hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn”…
Dù còn những điểm cần khắc phục nhưng các đại biểu dự Hội nghị đều thống nhất cho rằng, kết quả đạt được của Đề án là rất lớn. Đáng chú ý, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, quá trình thực hiện Đề án giai đoạn qua đã có bước chuyển hướng phù hợp, trong đó đã bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động giáo dục, đào tạo.
Ứng dụng công nghệ để người dân thuận tiện tiếp cận tri thức
Với những thành quả đạt được, để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quan điểm chỉ đạo, đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ chủ trì xây dựng và đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giai đoạn 2021 - 2030.
Mục tiêu là đến năm 2030, mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục suốt đời có chất lượng; góp phần thực hiện thành công khâu đột phá chiến lược về phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh đất nước phát triển, hội nhập trên nền tảng cuộc cách mạng 4.0.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo - Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Đắc Hưng nhấn mạnh: Việc chuẩn bị cho Đề án 10 năm tiếp theo, cần thay đổi tư duy; mạnh dạn và bắt đầu đầu tư xây dựng nền tảng số; huy động các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ và những người có khả năng đóng góp nguồn lực để xây dựng kho tư liệu phong phú.
“Giờ ta phải xoá mù chức năng chứ không phải xoá mù chữ nữa, vì xoá mù chữ đã cơ bản thực hiện được. Trong giai đoạn mới, cần tận dụng tối đa công nghệ số và huy động mọi nguồn lực đóng góp vào kho tàng tri thức trên không gian mạng” - ông Nguyễn Đắc Hưng nhấn mạnh
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong dẫn ví dụ: Dưới sự tác động của dịch bệnh Covid-19, các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến đại học đều đã chuyển sang hình thức học tập trực tuyến để phòng, chống dịch bệnh và đáp ứng yêu cầu học tập. Từ những giải pháp được coi là tình thế, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã từng bước xác định lộ trình để đưa học tập trực tuyến vào chương trình giảng dạy bắt buộc trong thời gian tới.
Các cơ sở giáo dục đã quan tâm phát triển công nghệ đào tạo qua mạng, đầu tư hệ thống quản lý học tập, hệ thống quản lý nội dung học tập và phòng studio để xây dựng học liệu số; thường xuyên tổ chức tập huấn, trang bị những kỹ năng cần thiết để triển khai đào tạo qua mạng cho cán bộ quản lý, giảng viên; liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên để mở các chương trình đào tạo, phổ biến kiến thức góp phần đẩy mạnh hình thức học từ xa, học qua mạng.
Coi chuyển đổi số trong giáo dục là một nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên hàng đầu để triển khai hiệu quả việc xây dựng XHHT trong giai đoạn mới, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các cấp, ngành chức năng, các cơ sở giáo dục cần đổi mới cách dạy, học và khuyến khích tự học trên cơ sở áp dụng công nghệ số, đặc biệt là các công nghệ tiên tiến như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo../.
NGUYỄN LỘC