Giảm thiểu tình trạng thực tập sinh Việt Nam bỏ trốn tại Nhật Bản

Đối nội - Ngày đăng : 05:11, 21/06/2021

(BKTO) - Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thống nhất với cơ quan chức năng Nhật Bản về việc áp dụng biện pháp xử lý đối với các tổ chức giám sát Nhật Bản và DN phái cử Việt Nam có nhiều thực tập sinh bỏ trốn.


                
   

Việc áp dụng các biện pháp xử lý đối với DN phái cử sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng thực tập sinh Việt Nam bỏ trốn khỏi xí nghiệp tiếp nhận Nhật Bản. Ảnh: dolab.gov.vn

   

Biện pháp trên được đưa ra nhằm mục đích giảm thiểu tình trạng thực tập sinh Việt Nam bỏ trốn khỏi xí nghiệp tiếp nhận Nhật Bản hiện đang gia tăng trong thời gian gần đây.

Theo đó, căn cứ trên số lượng và tỷ lệ thực tập sinh bỏ trốn từ năm 2016 đến 2019, các DN hoạt động dịch vụ đưa người đi làm việc ở nước ngoài (gọi tắt là DN) và các tổ chức giám sát Nhật Bản sẽ bị áp dụng biện pháp phòng chống thực tập sinh bỏ trốn.

Trước mắt, 4 DN bị áp dụng biện pháp phòng chống bỏ trốn bao gồm: Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thái Nguyên (BATIMEX), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu 3-2 Hoà Bình (HOGAMEX), Công ty Cổ phần ITC quốc tế (INTERNATIONAL ITC), Công ty Cổ phần Xúc tiến đầu tư MH Việt Nam (MH VIET NAM).

Trong vòng 2 tháng kể từ ngày 18/6/2021, DN tiếp tục được nộp hồ sơ xin chứng nhận kế hoạch thực tập cho những ứng viên thực tập sinh kỹ năng đã được tuyển chọn. Tổ chức thực tập kỹ năng Nhật Bản (OTIT) sẽ xem xét các hồ sơ này.

Trong vòng 6 tháng kể từ ngày 18/8/2021, OTIT sẽ không tiếp nhận hồ sơ xin chứng nhận kế hoạch thực tập cho các ứng viên thực tập kỹ năng của các DN nêu trên.

Những ứng viên thực tập sinh kỹ năng đã được cấp chứng nhận kế hoạch thực tập vẫn được tiếp tục xin tư cách lưu trú, visa và nhập cảnh làm việc tại Nhật Bản. DN tiếp tục quản lý số thực tập sinh đang làm việc tại Nhật Bản.

Trong thời gian trên, DN cần thực hiện các biện pháp để giảm tình trạng thực tập sinh bỏ trốn, báo cáo cho OTIT thông qua Cục Quản lý lao động ngoài nước. Biện pháp phòng chống bỏ trốn sẽ được xem xét để dỡ bỏ sau ngày 18/02/2022 nếu DN đã thực hiện được các giải pháp phù hợp.

Trong thời gian bị áp dụng biện pháp phòng chống bỏ trốn, DN cần kiểm tra sự phù hợp của từng mục được mô tả trong Tiêu chuẩn chứng nhận DN pháp cử Việt Nam. Bên cạnh đó, DN cần gửi báo cáo bằng văn bản về những giải pháp đã thực hiện.

Trong vòng 6 tháng kể từ ngày 18/8/2021, OTIT sẽ không tiếp nhận đơn xin cấp giấy phép, đơn xin gia hạn giấy phép và/hoặc đơn xin bổ sung ngành nghề của các Tổ chức giám sát Nhật Bản đang hợp tác với các DN nêu trên./.
THÀNH ĐỨC