Nâng cao hiệu quả thu hút nguồn lực, minh bạch tài chính tại các cơ sở giáo dục đại học tự chủ

Chính trị - Ngày đăng : 19:48, 22/06/2021

(BKTO) - Tại Toạ đàm trực tuyến “Cơ chế tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức mới đây, bên cạnh yêu cầu công khai, minh bạch tài chính trong trường, các ý kiến cũng đề nghị Bộ GD&ĐT sớm có cơ chế cho phép các trường tăng nguồn thu hợp pháp, đảm bảo tính đúng, tính đủ học phí để nâng cao chất lượng đào tạo.


Minh bạch giúp các trường tạo dựng lòng tin ở người học

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về một số cơ chế, chính sách then chốt về tài chính đối với các trường đại học (ĐH) thực hiện tự chủ. Trong đó, xoay quanh những vấn đề cấp bách như cơ chế đặt hàng đào tạo; cơ chế tài chính hỗ trợ người học; công khai, minh bạch tài chính GDĐH; huy động nguồn lực tài chính hợp pháp cho các trường...
                
   

Các trường cần đảm bảo công khai, minh bạch về tài chính đến người học. Ảnh: N.LỘC

   

Theo PGS,TS. Đinh Văn Hải (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), việc xác định mức thu học phí căn cứ vào định mức kinh tế - kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo là một công việc khó khăn. Thời gian qua, Trường đã tập trung xây dựng một chính sách xác định học phí khoa học và tường minh. Nhà trường cũng công bố rộng rãi chính sách và dự kiến học phí giai đoạn 2021-2025 của tất cả các ngành đào tạo. Nhờ đó, trong năm 2020, Trường đã nhận được các phản hồi tích cực của xã hội, giúp cho công tác tuyển sinh đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng đào tạo trước yêu cầu mới, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành cơ chế tài chính phù hợp hơn cho các trường, trong đó cần có cơ chế thông thoáng hơn trong việc huy động nguồn lực tài chính từ xã hội, DN. Bởi hiện nay, phần lớn nguồn thu của các trường đến từ thu học phí, trong khicác cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) chỉ được áp dụng mức thu không vượt quá giới hạn tối đa theo quy định của Nhà nước.

GS,TS. Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, các trường cần đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình tự chủ, vì khi được trao quyền, các trường phải có trách nhiệm giải trình với Nhà nước, với xã hội. Song song với đó, Bộ GD&ĐT, các cơ quan quản lý cần xem xét và giải quyết thấu đáo các vấn đề liên quan đến chỉ tiêu, cơ chế đấu thầu và giá dịch vụ… để giúp các trường hiểu rõ và triển khai thực hiện thuận lợi, nhất là với các trường sư phạm, khi chính sách đào tạo ngành sư phạm có nhiều thay đổi từ năm học tới đây.

Huy động các nguồn lực hợp pháp cho các trường

Tại Tọa đàm, đại diện vụ chức năng của Bộ Tài chính khẳng định, những nội dung đặt ra liên quan đến vấn đề tài chính trong tự chủ GDĐH là hết sức cấp bách, xuất phát từ thực tiễn. Theo đó, trong quá trình hoàn thiện chính sách về tự chủ ĐH, các chính sách về tài chính sẽ dần được hoàn thiện để tháo gỡ vướng mắc cho các trường. Tuy nhiên, trong khuôn khổ pháp luật cho phép, các trường có thể gia tăng nguồn thu từ việc mở rộng quy mô đào tạo;triển khai các nhiệm vụ nghiêncứu khoa học, thậm chí là đào tạo theo đơn đặt hàng của các DN... Tại nhiều cơ sở GDĐH, đây hiện là những nguồn thu lớn để cải thiện đời sống vật chất của giảngviên và người lao động.

Chia sẻ với những đề xuất, trăn trở của các cơ sở GDĐH về cơ chế tài chính, ông Đoàn Ngọc Xuân - Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, đây là vấn đề tác động rất lớn đến xã hội. Ông Xuân nhấn mạnh, cởi trói trong tự chủ là không can thiệp sâu vào hoạt động của các trường, nhưng các trường phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Tự chủ ĐH, bản chất là tự chủ trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, vì vậy, rất cần một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất để các trường dựa vào đó để thực hiện cho đúng.
                
   

Việc sử dụng các nguồn lực khác phải đảm bảo minh bạch, hiệu quả và đảm bảo công bằng với người học. Ảnh: N.LỘC

   

Chủ trì Toạ đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, quá trình chuyển sang tự chủ của các cơ sở GDĐH đang đứng trước những thách thức lớn, đặc biệt là vấn đề về tài chính, khi nhiều trường vốn được ngân sách bao cấp, nay phải làm quen với việc tự trang trải kinh phí hoạt động.

Xác định vấn đề tự chủ, trong đó có tự chủ tài chính là xu thế tất yếu, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị các trường cần tranh thủ nguồn lực đầu tư từ Nhà nước, kết hợp với nguồn lực xã hội hoá để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Việc sử dụng các nguồn lực phải đảm bảo minh bạch, hiệu quả và công bằng với người học.

Thứ trưởng cũng đề nghị các cơ sở GDĐH cần xây dựng văn bản chính sách nội bộ để đảm bảo việc sử dụng các nguồn lực theo đúng quy định, hiệu quả. Trong đó, lưu ý cơ chế hỗ trợ học tập, hỗ trợ vay vốn... để các em sinh viên hoàn cảnh khó khăn có cơ hội học tập, tạo ra lợi ích lâu dài cho xã hội.

“Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ có đề xuất kiến nghị để các cơ quan quản lý quan tâm, từng bước hoàn chỉnh cơ chế chính sách nhằm huy động nhiều nguồn lực xã hội cho GDĐH, phân cấp và trao quyền tự chủ cho các trường” - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết.
NGUYỄN LỘC