Đề xuất sửa đổi điều kiện đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
Xã hội - Ngày đăng : 13:56, 30/06/2021
(BKTO) - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trong đó chú trọng đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động GDNN, cũng như các yêu cầu công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đặt ra cho cơ sở GDNN.
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi nhiều quy định nhằm thúc đẩy hoạt động GDNN phát triển. Ảnh: N.LỘC |
Theo Bộ LD-TB&XH, nhiều quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực GDNN được ghi nhận trong các Nghị định số 143/2016/NĐ-CP, Nghị định số 140/2018/NĐ-CP, Nghị định số 15/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã không còn phù hợp, gây khó khăn cho các hoạt động đầu tư vào GDNN thời gian qua.
Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bất cập tại 3 Nghị định nêu trên và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng quyền tự chủ, gắn với trách nhiệm giải trình; chuyển từ cơ chế “tiền kiểm” sang cơ chế “hậu kiểm” và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong GDNN là hết sức cần thiết.
Tại dự thảo, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới, trong đó, chú ý cắt giảm, đơn giản hóa 17 điều kiện đầu tư kinh doanh và nhiều thành phần hồ sơ của các thủ tục hành chính khác có liên quan.
Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Giáo dục, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và hệ thống pháp luật hiện hành, dự thảo Nghị định đã đề xuất bỏ đối tượng áp dụng là cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động GDNN trình độ cao đẳng; bổ sung đối tượng áp dụng là trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên.
Bên cạnh đó, để tăng quyền tự chủ, gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDNN, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với việc đăng ký hoạt động GDNN, dự thảo Nghị định đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN theo hướng công khai, minh bạch, chuyển từ cơ chế “tiền kiểm” sang cơ chế “hậu kiểm” các điều kiện bảo đảm tổ chức hoạt động GDNN nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong thời kỳ mới.
Đáng chú ý, dự thảo Nghị định đề xuất bổ sung quy định rõ trách nhiệm của cơ sở GDNN về công khai kết quả cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN của Tổng cục GDNN, Sở LĐ-TB&XH tỉnh/thành phố nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng quy định trách nhiệm công khai các điều kiện bảo đảm hoạt động GDNN của cơ sở GDNN và cập nhật dữ liệu về văn bằng GDNN cấp cho người học sau khi tốt nghiệp nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ sở, tăng cường giám sát của người học và xã hội.
NGUYỄN LỘC