Đầu tư và khai thác các công trình giao thông BOT: Hướng đi đúng nhưng triển khai còn bất cập

Đối nội - Ngày đăng : 13:05, 24/08/2017

(BKTO) - Ngày 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) dành cả ngày để tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)”. Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong đầu tư, khai thác các công trình BOT thời gian qua, UBTVQH cho rằng, việc hoàn thiện, đồng bộ hệ thống pháp luật về BOT; đẩy mạnh công tác giám sát, thanh tra, kiểm toán các dự án BOT… là những giải pháp cần tập trung trong thời gian tới.


Nhiều bất cậptrong triển khai dự án BOT

Trình bày Báo cáo kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Trưởng Đoàn giám sát của UBTVQH Vũ Hồng Thanh nêu rõ, việc thực hiện các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT trong thời gian qua đã khiến diện mạo về hệ thống giao thông, đặc biệt là hệ thống đường, cầu có sự chuyển biến rõ rệt, phát huy hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Đến nay, 55 dự án BOT đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác với tổng mức đầu tư gần 138.000 tỷ đồng. Theo báo cáo của 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các địa phương đã huy động được hơn 80.000 tỷ đồng cho các dự án BOT. Nhiều công trình trọng điểm, có tính kết nối cao giữa các vùng, miền đã được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa (mở rộng Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên...).

“Trong bối cảnh nguồn lực NSNN hạn chế và nguồn ODA thu hẹp dần, việc huy động thông qua hình thức hợp đồng BOT là hướng đi đúng đắn để phát triển giao thông nói riêng, phát triển kinh tế nói chung, đồng thời giảm bớt gánh nặng của NSNN trong việc thực hiện chủ trương xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cho nền kinh tế” - Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đánh giá.

Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập trong triển khai các dự án BOT. Đó là sự thiếu đồng bộ trong các quy định từ khâu quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, lập kế hoạch đầu tư, xác định danh mục dự án đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu thi công, khai thác cũng như việc theo dõi, đánh giá, thanh, kiểm tra trong quá trình thực hiện dự án; quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các cấp, các ngành…

Báo cáo nêu rõ, các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT vừa qua mới tập trung chủ yếu ở lĩnh vực đường bộ. Hầu hết các dự án giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đều được chỉ định nhà đầu tư, làm hạn chế tính cạnh tranh, giảm hiệu quả đầu tư của dự án. Năng lực nhà đầu tư ở nhiều dự án đã được phê duyệt còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm, trong khi quy định về tỷ lệ vốn chủ sở hữu thấp nên một số dự án phải bổ sung, điều chỉnh, chất lượng công trình không bảo đảm.

Về vấn đề thu phí BOT, Báo cáo giám sát cho thấy, tình trạng vị trí đặt thu phí và khoảng cách giữa các trạm chưa hợp lý, có tình trạng trạm thu phí đặt ngoài phạm vi dự án, bổ sung một số hạng mục nằm ngoài phạm vi dự án. Nhà đầu tư cũng được phép thu phí cả tuyến đường chạy song song với tuyến đường được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT để bảo đảm phương án tài chính của dự án. Khoảng cách giữa các trạm thu phí dưới 70km. Khung giá dịch vụ quy định rất rộng, dễ dẫn đến tiêu cực. Hầu hết các dự án đầu tư theo hình thức BOT không phải xây dựng tuyến mới, chỉ là nâng cấp, cải tạo trên các tuyến đường hiện có…

Hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh thanh tra, kiểm toán

Qua kết quả giám sát, Đoàn giám sát kiến nghị, cần tiếp tục khẳng định tính đúng đắn và triển khai thực hiện chủ trương huy động nguồn lực xã hội, trong đó chú trọng hình thức hợp tác đầu tư công - tư (PPP); nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật Đối tác công tư, để khắc phục hạn chế, vướng mắc của hệ thống pháp luật hiện hành, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm Nhà nước và tư nhân thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng.

Đoàn giám sát cũng kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện của nhà đầu tư cả trong giai đoạn thực hiện dự án, vận hành, bảo trì và giai đoạn kết thúc chuyển giao dự án để bảo đảm sau khi hết thời hạn thu phí, công trình được bàn giao lại cho Nhà nước vẫn phải bảo đảm chất lượng vận hành, sử dụng tốt.

Đặc biệt, theo kiến nghị của Đoàn giám sát, trong thời gian tới, công tác thanh tra, kiểm toán cần phải được đẩy mạnh hơn nữa để hoạt động xây dựng công trình kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT được minh bạch, hiệu quả. Ngoài phát hiện những sai sót, vi phạm trong quy trình thực hiện dự án, công tác thanh tra, kiểm toán cần có những đánh giá về môi trường pháp lý triển khai dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT tại Việt Nam để có những kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện chính sách thu hút và quản lý hoạt động đầu tư xây dựng công trình giao thông theo hình thức PPP nói chung.

Qua thảo luận, đa số các thành viên UBTVQH tán thành với Báo cáo kết quả giám sát. Lưu ý vấn đề thanh tra, kiểm toán, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, giám sát của Quốc hội chưa đủ mà cần nâng cao hơn nữa vai trò của thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm, giám sát chặt thu phí giao thông đường bộ, đảm bảo minh bạch, công khai.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, chủ trương huy động vốn ngoài ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung, trong đó kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng là hoàn toàn đúng đắn và thời gian qua đã triển khai khá tốt. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nguyên nhân của những hạn chế, bất cập trong triển khai, tổ chức thực hiện các dự án BOT thời gian qua là do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hình thức đầu tư này chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ. Trong khi chưa có đánh giá tổng kết về việc xây dựng, triển khai pháp luật, đầu tư lại khá ồ ạt. Việc triển khai quy hoạch giữa các ngành, lĩnh vực chưa nhất quán, thiếu quy hoạch hệ thống giao thông đồng bộ…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong thời gian tới, các cơ quan nhà nước cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về đầu tư BOT; nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật Đối tác công tư để tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ. Trong khi chưa ban hành Luật, Chính phủ cần chủ động nghiên cứu, sửa đổi, điều chỉnh quy định bất hợp lý, hạn chế trong thực tiễn.

NGUYÊN HỒNG
Theo Tuần báo ra ngày 17-8-2017