TP. HCM: Phải có giải pháp dứt khoát, mạnh mẽ hơn, khống chế bằng được các ổ dịch

Chính trị - Ngày đăng : 14:18, 07/07/2021

(BKTO) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 - đã nhấn mạnh yêu cầu này tại cuộc họp giao ban trực tuyến phòng, chống dịch của TP. HCM, chiều 06/7.


                
   

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu TP. HCM tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ bảo đảm đời sống, sinh hoạt của người dân. Ảnh: VGP

   

Đang rà soát để lập bệnh viện dã chiến, khu cách ly dã chiến

Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. HCM cho biết, từ 6h sáng ngày 05/7 đến 6h sáng ngày 06/7, Thành phố đã ghi nhận thêm 461 F0.Đáng chú ý, TP. HCM ghi nhận thêm nhiều trường hợp qua xét nghiệm tầm soát tại cơ sở y tế. Đến nay, khoảng 900 F0 là công nhân, người buôn bán qua các chợ đầu mối. Thành phố đang tập trung truy vết chuỗi lây nhiễm trong khu nhà trọ công nhân, tại các chợ.

Phân tích của Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phục vụ phòng, chống dịch của Ban Chỉ đạo cho thấy, TP. HCM cần chú ý đến việc xuất hiện thêm nhiều ổ dịch nhỏ ngày càng xa 3 ổ dịch lớn ban đầu.

Thành phố đã ghi nhận 796 ca tại 38 DN, đang tập trung kiểm tra các DN trong các KCN. Những đơn vị không đảm bảo tiêu chí phòng, chống dịch bệnh, không chia ca kíp hay giảm số lượng công nhân sẽ phải tạm dừng hoạt động.

Bên cạnh xét nghiệm nhanh, TP. HCM đang thực hiện khoảng 200.000 mẫu xét nghiệm PCR/ngày; xét nghiệm sàng lọc định kỳ tại các khu vực có nguy cơ cao; lấy mẫu xét nghiệm đại diện gia đình là những người có nguy cơ lây nhiễm cao…

Hiện các khu cách ly tập trung trên địa bàn TP. HCM gần như đã đầy, các quận huyện đang rà soát các khu nhà tái định cư chưa có người ở, một số khu đất, nhà xưởng quy mô lớn để lập bệnh viện dã chiến, khu cách ly dã chiến.

Đảm bảo đời sống người dân, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa

Trong ngày 06/7, các quận, huyện của TP. HCM đã siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội, tạm ngừng hoạt động một số chợ đầu mối, truyền thống không bảo đảm an toàn phòng dịch. Để đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân, các hệ thống siêu thị sẽ tăng cường lượng hàng hoá từ 50% đến 100%.

Các thương lái, người buôn bán tại các chợ đầu mối sẽ được tập huấn sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử để mua bán trực tuyến, đồng thời TP. HCM dành 3 vùng đệm tại huyện Củ Chi, TP. Thủ Đức, quận Bình Chánh để tập kết hàng hoá thực phẩm từ các tỉnh chuyển về. Sở Công Thương TP. HCM sẽ vận hành bản đồ cung cấp thông tin những chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cử hàng tiện lợi… an toàn tại từng quận, huyện, xã, phường để người dân mua sắm nhu yếu phẩm.

Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định, TP. HCM đảm bảo mức hỗ trợ tối thiểu 50.000 đồng/người/ngày cho 230.000 hộ nghèo tại các khu vực giãn cách xã hội. Thành phố đã dự trù kinh phí hỗ trợ trong trường hợp kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

TP. HCM đã thống nhất với các tỉnh lân cận về việc lưu thông hàng hóa với hai phương án là đổi lái xe hoặc lái xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính. TP. HCM đề nghị Bộ Y tế cần có hướng dẫn thống nhất về giá trị thời gian kết quả xét nghiệm; sớm liên thông kết quả xét nghiệm của lái xe trên toàn quốc thông qua mã QR code.

Công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được thực hiện bài bản, cán bộ, giáo viên, thí sinh tuân thủ nghiêm túc các quy định, khuyến cáo về phòng, chống dịch. Những thí sinh F0, F1 sẽ tham gia thi đợt sau.

Thực hiện nghiêm các giải pháp ở mức cao hơn

Trên tinh thần “TP. HCM vì cả nước, cả nước chia sẻ với TP. HCM”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị TP. HCM thực hiện nghiêm các giải pháp đã đề ra và thống nhất ở mức cao hơn hiện nay, cắt đứt các chuỗi lây nhiễm, khống chế bằng được các ổ dịch, phấn đấu không để kéo dài tình trạng giãn cách xã hội như hiện tại.“TP. HCM phải có những giải pháp dứt khoát hơn, mạnh mẽ hơn, triệt để hơn, hiệu lực hơn để sớm chấm dứt dịch bệnh, quyết không để dây dưa kéo dài” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

TP. HCM hết sức lưu ý công tác tổ chức, điều phối thống nhất trong lấy mẫu, xét nghiệm, chỗ nào trước, chỗ nào sau, bảo đảm lấy mẫu đến đâu xét nghiệm đến đấy, không để tồn đọng. Kết hợp xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR, mẫu gộp tùy theo đánh giá mức độ nguy cơ từng khu vực, trên tinh thần tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả. TP. HCM phải chuẩn bị phương án, cách thức lấy mẫu, xét nghiệm mới phù hợp hơn trong thời gian tới đây.

TP. HCM cần chuẩn bị khẩn trương, chu đáo các quy định cần thiết nhằm hạn chế người đi lại, tụ tập trong Thành phố, “không ra khỏi nhà nếu không thực sự cần thiết”. Người dân từ TP. HCM đến các địa phương khác cũng vậy. Tuyệt đối không để tiếp diễn tình trạng tập trung đông người, không tuân thủ quy định giữ khoảng cách như đã xảy ra ở một số nơi khi TP. HCM đang thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian qua.

Chính phủ đồng tình, hoan nghênh TP. HCM đã có gói hỗ trợ cho hơn 230.000 hộ dân nghèo. Thành phố cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ bảo đảm đời sống, sinh hoạt của người dân cả vật chất, lẫn tinh thần.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu TP. HCM khẩn trương thống nhất cơ chế phối hợp với các tỉnh lân cận để kiểm soát tốt người lao động trong các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở địa phương này nhưng làm việc ở địa phương khác. TP. HCM và các tỉnh hoàn thiện cơ chế kiểm soát người điều khiển các phương tiện vận tải ra, vào thành phố, không gây ách tắc cho lưu thông hàng hoá, kiểm soát nguồn lây.

Phó Thủ tướng cho biết Thủ tướng Chính phủ sẽ có công điện gửi tất cả các tỉnh, thành phố quy định thống nhất trong kiểm soát người ra, vào vùng dịch và TP. HCM theo hướng tất cả người ra, vào vùng dịch khi về địa phương phải khai báo y tế, tự cách ly ở nhà tối thiểu 7 ngày. Người dân cần cân nhắc chỉ khi có công việc thực sự cần thiết thì mới đến TP. HCM hoặc từ TP. HCM đến các tỉnh phải tuân thủ các quy định phòng, chống dịch chung, đặc biệt là các quy định mới về phòng, chống dịch mà TP. HCM đang chuẩn bị ban hành./.
HỒNG NHUNG