Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường châu Âu

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 14:10, 08/07/2021

(BKTO) - Châu Âu đang là thị trường xuất khẩu lớn, còn nhiều tiềm năng mở rộng thị phần dành cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Tuy nhiên, để tiếp cận và khai thác hiệu quả thị trường này, các DN Việt Nam cần nắm rõ các tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật cũng như bắt nhịp được xu hướng tiêu dùng của thị trường.


Đây là chủ đề được trao đổi, thảo luận tại Hội thảo trực tuyến “Tiếp cận thị trường châu Âu” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV) phối hợp với một số đơn vị tổ chức vào chiều 07/7.
                
   

Các mặt hàng thủy sản là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường châu Âu - Ảnh: TTXVN

   

Ông Adam Koulaksezian - Giám đốc CCIFV cho biết, thị trường Liên minh châu Âu (EU) với 27 quốc gia thành viên là khu vực kinh tế lớn thứ 3 thế giới, hiện chiếm 15% tổng lượng hàng hóa thương mại trên toàn cầu.

Đây cũng là một thị trường chung, tự do trao đổi hàng hóa nội khối, do đó chỉ cần DN tiếp cận được 1 thị trường thành viên thì có thể dễ dàng tiếp cận được các thị trường còn lại.

Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 15 của EU và là đối tác lớn nhất của EU trong khối ASEAN. Với việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020 đã dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam và EU, tạo động lực thúc đẩy gia tăng thương mại song phương.

Tuy nhiên, ông Adam Koulaksezian cũng nhấn mạnh, người tiêu dùng EU đang quan tâm nhiều hơn đến tính bền vững, bao gồm cả truy xuất nguồn gốc, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường.

Trong bối cảnh đó, các nhà xuất khẩu Việt Nam nên đánh giá tính bền vững của sản phẩm, đồng thời thiết kế chiến lược xuất khẩu phù hợp với nhu cầu, xu hướng của thị trường EU.

Chia sẻ thêm thông tin, bà Nguyễn Đắc Bội Quỳnh - Giám đốc Xúc tiến thương mại khối DN Việt Nam của CCIFV cho biết, EU đang là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu của nhiều mặt hàng chủ lực Việt Nam như dệt may, thủy sản, đồ gỗ và sản phẩm từ gỗ…

Trong nửa đầu năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 song xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU vẫn tăng trưởng tốt.

Trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng trưởng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2020, đồng thời Việt Nam cũng tăng nhập khẩu nguyên phụ liệu từ EU để phục vụ sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, theo bà Quỳnh, mặc dù có nhiều động lực song việc trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam - EU cũng đang đối mặt với không ít thách thức.

Trước tiên là tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất để xuất khẩu của các DN Việt.

Tiếp đến là các yêu cầu truy xuất nguồn gốc và sự thay đổi xu hướng tiêu dùng của thị trường EU diễn ra ngày càng nhanh hơn. Bên cạnh đó, ngoài các thủ tục xuất khẩu thông thường, thị trường EU cũng yêu cầu DN xuất khẩu phải có các chứng nhận chất lượng sản phẩm, chứng nhận kiểm dịch, chứng nhận an toàn vệ sinh...

Từ góc độ DN, chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu sang thị trường EU, bà Phạm Thị Hồng Quang - Giám đốc Công ty Thủ công mỹ nghệ Nguồn Việt cho biết, nhà nhập khẩu và người tiêu dùng EU rất coi trọng vấn đề phát triển bền vững như nguồn gốc nguyên liệu, an toàn lao động, môi trường, phúc lợi xã hội.

Do đó, DN muốn tiếp cận thị trường EU cần chú trọng những vấn đề này ngay từ đầu để đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu. Đồng thời DN cần cập nhật thường xuyên các xu hướng tiêu dùng và tận dụng hiệu quả các kênh tiếp thị, thương mại hiện đại…/.
THIỆN TRẦN