Xác định giá trị doanh nghiệp trước cổ phần hóa còn nhiều bất cập
Đối nội - Ngày đăng : 08:20, 27/08/2017
(BKTO) - Trong bài tham luận gửi tới Hội thảo quốc tế“Xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa và vai trò của KTNN” doKTNN phối hợp với Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh (ACCA) tổ chức mớiđây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu nhận định: “Xác định giá trị DNtrong cổ phần hóa là công việc hết sức quan trọng và mất nhiều thời gian, quyếtđịnh đến sự thành công khi chuyển DNNN sang công ty cổ phần”.
Theo đại diện Bộ Tài chính, hiện nay, cơ chế và phương pháp xác định giá trị DN đã được từng bước hoàn thiện. Tuy nhiên, phương pháp định giá đang áp dụng trong nhiều năm qua cho thấy có một số hạn chế cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện. Cụ thể, theo quy định hiện hành, các DNNN thực hiện cổ phần hóa có thể áp dụng các phương pháp xác định giá trị DN là phương pháp tài sản, phương pháp dòng tiền chiết khấu và phương pháp khác, giá trị DN được công bố không thấp hơn phương pháp tài sản.
Nhưng trong thực tế, việc xác định giá trị DN để tiến hành cổ phần hoá hiện nay mới dừng lại ở 2 phương pháp cơ bản là phương pháp tài sản và phương pháp dòng tiền chiết khấu. Trong đó, phương pháp dòng tiền chiết khấu chỉ áp dụng với các DN thống kê được các chỉ tiêu tài chính trong thời gian hoạt động trước khi xác định giá trị DN tối thiểu là 5 năm và có kế hoạch sản xuất kinh doanh trong 5 năm sau cổ phần hóa; có tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn nhà nước bình quân 5 năm liền kề trước khi xác định giá trị DN cao hơn lãi suất của trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm được phát hành tại thời điểm gần nhất với thời điểm xác định giá trị DN. Vì thế, theo Thứ trưởng Trần Văn Hiếu, trong một số trường hợp, phương pháp này còn mang tính chủ quan dẫn đến kết quả chưa phản ánh đúng giá trị thực của DN.
Nhìn nhận lại toàn bộ quá trình sắp xếp, đổi mới DNNN từ cuối thập niên 1990 đến nay, các chuyên gia cho rằng, một trong những vấn đề nổi lên trong việc xác định giá trị DN trước cổ phần hóa chính là xác định giá trị quyền sử dụng đất.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam -thì “mặt bằng”, “đất đai” gắn với lợi thế địa điểm của DNNN luôn là thứ tài sản được đánh giá cao nhất trong tất cả các loại tài sản của các DNNN được cổ phần hóa. Nhưng trên thực tế, loại tài sản này về nguyên tắc không được mang ra định giá và bán. Điểm này đã khiến cho quá trình cổ phần hóa DNNN dễ biến thành một quá trình trục lợi mà phần thiệt luôn ở phía nhà nước, còn lực lượng luôn bị cản trở tiếp cận đến tài sản, tiếp cận đến nguồn lực và cơ hội phát triển chính là cộng đồng DN tư nhân.
Với phân tích đó ông Thiên nhấn mạnh: dễ hiểu tại sao việc định giá DNNN để tiến hành cổ phần hóa còn nhiều bất cập, nhất là giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền được thuê đất ở những vị trí đắc địa, thương hiệu, lợi thế kinh doanh và xác định giá bán cổ phiếu lần đầu. Quá trình xác định giá trị DN chủ yếu dựa trên so sánh, chưa có tiêu chuẩn xác định giá trị tiềm năng như thương hiệu, khả năng phát triển trong tương lai. Trong khi đó, việc có những thước đo đúng (giá cả) là điều kiện tiên quyết để quá trình chuyển đổi sở hữu diễn ra thuận lợi.
Trong bài phát biểu khai mạc, chỉ đạo Hội thảo, xuất phát từ thực tiễn kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cũng đánh giá: hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến công tác xử lý tài chính và xác định giá trị DN trước khi thực hiện cổ phần hoá vẫn còn những bất cập, nhất là liên quan đến giá trị quyền sử dụng đất hay lợi thế vị trí địa lý, giá trị thương hiệu, quy định tổ chức đấu thầu chọn tổ chức tư vấn định giá, các quy định về xác định giá trị thị trường của tài sản.
Toàn cảnh Hội thảo
Theo các chuyên gia, trong giai đoạn 2017-2020, đối tượng cổ phần hóa là các tập đoàn, tổng công ty, DN có quy mô vốn lớn và đang được Nhà nước giao quản lý, sử dụng nhiều diện tích đất. Vì thế, thực tiễn càng đòi hỏi việc xác định giá trị DN phải chính xác, công khai, minh bạch và rõ ràng. Hơn nữa, các đối tượng cổ phần hóa trong giai đoạn này có tình hình tài chính phức tạp mang tính chất đặc thù đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế liên quan đến xác định giá trị DN cho phù hợp nhằm xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính trước khi xác định giá trị DN, tổ chức định giá sát với giá thị trường, hạn chế tối đa khả năng thất thoát vốn và tài sản nhà nước.
Một trong những giải pháp mà Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu đề xuất là phải hoàn thiện phương pháp định giá DN theo hướng áp dụng thêm một số phương pháp định giá mới, tiên tiến, phù hợp với cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, cần tăng cường trách nhiệm và chất lượng của công tác tư vấn định giá DN cổ phần hóa theo hướng yêu cầu bắt buộc phải xác định giá trị DN theo ít nhất 2 phương pháp nhằm kiểm tra tính hợp lý của kết quả trước khi công bố giá trị DN.
Đồng quan điểm này, PGS.TS Lê Huy Trọng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V - đề xuất thêm việc cần phải áp dụng giá trị DN giá trần và sàn để chủ sở hữu DN lựa chọn xác định giá trị DN và các nhà đầu tư có một cách nhìn khách quan hơn trước khi quyết định đầu tư. Đồng thời, cần thiết lập hệ thống báo cáo bắt buộc và lưu trữ cơ sở dữ liệu về báo cáo và phương pháp định giá áp dụng; bổ sung hướng dẫn đối với việc định giá lợi thế quyền thuê đất trả tiền hàng năm; ban hành quy định cụ thể về cổ đông chiến lược, bắt buộc đấu giá khi lựa chọn cổ đông chiến lược…
Năm 2016, qua các cuộc kiểm toán kết quả tư vấnđịnh giá giá trị DN trước khi cổ phần hóa, KTNN đã xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước tại 7 DN là 20.818,9 tỷ đồng, trong đó kiểm toán việc định giá theo phương pháp tài sản của 7 DN, KTNN đã xác định giá trị thực tế vốn nhà nước tăng khoảng 5.134 tỷ đồng. Ngoài ra, nếu áp dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu đối với Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist và Công ty TNHH MTV Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam, KTNN xác định giá trị vốn nhà nước tăng thêm so với phương pháp tài sản 15.684 tỷ đồng (tại Truyền hình cáp Saigontourist tăng thêm 12.018 tỷ đồng; tại Truyền hình Cáp Việt Nam tăng thêm 3.666 tỷ đồng). KTNN kết luận, việc xử lý các vấn đề tài chính trước khi cổ phần hóa và định giá DN vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là việc lựa chọn phương pháp định giá, xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất... |
PHÚC KHANG