Nền kinh tế không tiếp xúc - xu hướng trong thời kỳ mới
Kinh tế - Ngày đăng : 16:25, 10/07/2021
(BKTO) - Mọi cuộc khủng hoảng trong quá khứ đều dẫn đến chi tiêu của người tiêu dùng thấp hơn, ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu sản phẩm và dịch vụ, cũng như toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra lại vô cùng đặc biệt, bên cạnh những tác động tiêu cực, cuộc khủng này đã dẫn đến sự trỗi dậy của một nền kinh tế mới - nền kinh tế không tiếp xúc.
Ứớc tính, hoạt động mua sắm và trải nghiệm tại nhà sẽ tăng lên tới hơn 3.000 tỷ USD vào năm 2025. Nguồn: Deloitte |
4 phân khúc khách hàng trong nền kinh tế không tiếp xúc
Theo nghiên cứu của Deloitte với tựa đề “Kinh tế không tiếp xúc - Bạn chuẩn bị chưa?”, kinh tế phi tiếp xúc được thúc đẩy bởi cả hai phía gồm công nghệ kỹ thuật số (5G, nền tảng đám mây, AI) và các yếu tố từ nhu cầu (sự tiện lợi, nâng cao nhận thức về sức khỏe và an toàn). Một số trong số này đã tồn tại từ trước và được tăng tốc do khủng hoảng.
Các chuyên gia của Deloitte chia nền kinh tế không tiếp xúc theo hai nhánh lớn, bao gồm: tiêu thụ tại nhà và tiêu thụ không tiếp xúc bên ngoài. Trong đó, ước tính, hệ thống tiêu thụ tại nhà sẽ tăng hơn hai lần, lên tới 3.000 tỷ USD vào năm 2025 và gần 20% trong số này là do đại dịch Covid-19 tác động. Sản phẩm tiêu dùng, giải trí và giáo dục sẽ có quy mô thị trường lớn nhất, trong khi các dịch vụ tài chính, sức khỏe và tiêu dùng sẽ có mức tăng trưởng mạnh nhất.
Cũng theo nghiên cứu, khách hàng sẽ có sự phân hóa trong nền kinh tế không tiếp xúc, với 4 phân khúc khác nhau. Quy mô cụ thể của các phân khúc khách hàng này là khó xác định, nhưng mỗi phân khúc khách hàng sẽ mở ra cơ hội mới, gia tăng giá trị cho DN.
Phân khúc trải nghiệm mua sắm thực tế ảo:Khách hàng muốn nhận được các dịch vụ chăm sóc tốt nhất với nhiều sự lựa chọn nhưng không muốn có sự tiếp xúc quá gần với con người và sản phẩm. DN có thể quản lý các hành trình hạn chế tiếp xúc này thông qua tương tác kỹ thuật số tại cửa hàng, bằng cách cho phép công nghệ như 5G, cảm biến và trí tuệ nhân tạo hỗ trợ khách hàng.
Nhóm khách hàng muốn mua sắm trực tiếp nhưng không tiếp xúc:Nhóm khách hàng này coi trọng tốc độ và sự đơn giản, không cần tương tác với con người nhưng muốn trực tiếp lựa chọn sản phẩm và dịch vụ nên họ sẽ ra ngoài để mua sắm. Các tính năng chính để DN kết hợp trong hành trình của họ là các ki-ốt tự phục vụ không tiếp xúc, tùy chọn thanh toán nhanh, khay trả hàng tự động...
Bốn phân khúc khách hàng trong nền kinh tế không tiếp xúc. Nguồn: Deloitte |
Mua sắm qua sàn thương mại điện tử:Các khách hàng này đưa ra quyết định mua hàng nhanh chóng và cũng muốn được giao hàng nhanh, trong khi mức tiền chi trả thấp nhất có thể. DN có thể phục vụ những khách hàng này thông qua nền tảng kỹ thuật số và để đảm bảo cạnh tranh, DN phải đạt được vị trí dẫn đầu về chi phí bằng cách loại bỏ quảng cáo, tăng cường phát triển sản phẩm.
Nhóm khách hàng muốn trải nghiệm ảo và không cần rời khỏi nhà:Một nhà cung cấp công nghệ ảo cho các thương hiệu làm đẹp nhấn mạnh rằng các mẫu ảo đã tăng lên 32% kể từ khi đại dịch bùng phát ở Mỹ. Hơn nữa, những người mua sắm thử một sản phẩm trực tuyến có khả năng mua lại chúng gần gấp 3 lần và có thể chi thêm 10%. Các DN có thể cung cấp sản phẩm và dịch vụ giá trị gia tăng bằng cách tận dụng công nghệ thông minh như IoT, AR (bổ sung những chi tiết ảo vào thế giới thực để tăng cường sự trải nghiệm), VR (kính thực tế ảo) được kích hoạt bởi 5G.
Động lực từ cả phía cungvà cầu
Nền kinh tế không tiếp xúc đang thúc đẩy các phân khúc khách hàng trở thành xu hướng phổ thông. Theo các chuyên gia của Deloitte, để tận dụng tối đa điều này, các tổ chức cần đánh giá nghiêm túc nhu cầu của khách hàng và các hành vi đang phát triển trong nền kinh tế không tiếp xúc. Đồng thời, xác định số lượng theo mỗi phân khúc để đạt mục tiêu.
Bên cạnh đó, DN cần phát triển các trải nghiệm mới cho mỗi phân khúc khách hàng cũng như quyết định mô hình phát triển của mình với trọng tâm là tận dụng hệ sinh thái kết nối để đảm bảo tính linh hoạt trước những bất ổn phía trước. Deloitte nhấn mạnh rằng, có những động lực từ phía cầu và cung làm cho nền kinh tế không tiếp xúc trở thành một hiện tượng thực sự, bao gồm 5 yếu tố:
Nâng cao nhận thức về sức khỏe và an toàn:Đây là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng hiện nay, nhiều hơn mối quan tâm về tài chính. Theo khảo sát về người tiêu dùng do Deloitte thực hiện trên 10 quốc gia, chỉ khoảng một nửa số người tiêu dùng cảm thấy an toàn khi đến một cửa hàng hoặc giao tiếp với nhân viên. Ngay cả khi đã phục hồi, những lo ngại tiềm ẩn về một đợt dịch mới bùng phát vẫn tác động đến hành vi tiêu dùng.
Kỹ thuật số giúp mọi người duy trì cảm giác ổn định: Việc áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt đã cho phép người tiêu dùng duy trì thói quen mua hàng. Khảo sát gần đây của Deloitte đã cho thấy mức sử dụng tiền mặt từ khi Covid-19 bùng phát giảm đáng kể tại nhiều quốc gia như: Singapore (67%), Malaysia và Philippines (64%) và Thái Lan (59%). Ngược lại, gần 50% người tiêu dùng tại các quốc gia này tăng mua sắm trực tuyến.
5G gia tăng theo cấp số nhân:Khảo sát của Deloitte cho thấy, 76% các giám đốc điều hành tin rằng 5G sẽ là một công nghệ quan trọng cho hoạt động kinh doanh của họ trong vòng 3 năm tới. Các khả năng tiên tiến của 5G sẽ giúp DN thay đổi dịch vụ, cải thiện trải nghiệm khách hàng và mở khóa lợi thế cạnh tranh để định hình nền kinh tế không tiếp xúc.
Sự trỗi dậy của các nền tảng trải nghiệm xoay quanh con người: 56% bày tỏ sự cần thiết phải có thêm sự tiếp xúc của con người trong trải nghiệm kỹ thuật số. Điều này dẫn đến sự gia tăng của các nền tảng lấy con người làm trung tâm, phân tích hành vi người tiêu dùng và phản hồi theo ngữ cảnh và cảm xúc của họ.
Phát triển các công nghệ mới: Công nghệ đóng vai trò là xương sống cho kỹ thuật số và các dịch vụ không tiếp xúc. Điều này mở ra một xu hướng mới giúp DN nhanh nhẹn hơn và mở rộng kiến trúc công nghệ thông qua việc áp dụng công nghệ đám mây sâu hơn, từ đó nâng cao hiệu quả và phản ứng nhanh với những hành vi tiêu dùng liên tục thay đổi.
Việc nắm bắt cơ hội của nền kinh tế không tiếp xúc đòi hỏi các DN phải đưa ra một loạt các lựa chọn. Theo nghiên cứu của Deloitte, các tổ chức có thể cân nhắc ba cách thức để tạo ra các sáng kiến mới nhằm tận dụng nền kinh tế không tiếp xúc, bao gồm: Phân tích hành vi khách hàng để đánh giá nhu cầu, xác định phân khúc khách hàng, xây dựng công nghệ hỗ trợ thông qua dữ liệu và phân tích./.
THÙY LÊ