Sắp xếp lại các đơn vị nghệ thuật để nâng cao năng lực, phục vụ tốt hơn cho công chúng

Xã hội - Ngày đăng : 19:15, 10/07/2021

(BKTO) - Thời gian qua, chủ trương sắp xếp các đơn vị nghệ thuật đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đặt ra, với mục tiêu hướng đến là tổ chức các đơn vị nghệ thuật theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả để phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân, cũng như góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc. Nhằm cụ thể hóa chủ trương này, Bộ đang gấp rút xây dựng Đề án sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn ở Trung ương (Đề án), tạo thống nhất cho các cơ sở trong quá trình triển khai sắp xếp.


Nhiều bất cập

Tại buổi làm việc về Đề án diễn ra mới đây, ông Lê Minh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, việc xây dựng Đề án nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/1/2018 về chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, Bộ chủ trương giữ nguyên 12 đơn vị nghệ thuật, chỉ thực hiện rà soát, sắp xếp lại bên trong các đơn vị, xác định những vấn đề cần bổ sung, hoặc không phù hợp với giai đoạn hiện nay để từ đó xây dựng cơ cấu tổ chức phù hợp.

Cũng theo ông Tuấn, qua đánh giá các đơn vị nghệ thuật Trung ương nổi lên nhiều bất cập trong công tác tổ chức, hoạt động cũng như cơ chế chính sách đối với người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Một trong những bất cập nổi cộm, đó là vấn đề sắp xếp lao động trong các đơn vị. Cụ thể, hiện nay tại 12 đơn vị nghệ thuật Trung ương đang có một lượng lớn lao động hết tuổi nghề nhưng vẫn trong độ tuổi lao động và không chuyển đổi được vị trí việc làm. "Nhân sự giữ biên chế trong đơn vị, nhưng không tham gia biểu diễn nghệ thuật. Để có lực lượng nghệ sỹ biểu diễn, nhiều đơn vị phải ký hợp đồng thời vụ đối với lực lượng lao động nghệ thuật trẻ bên ngoài" - ông Tuấn nêu.

                
   

Các nghệ sỹ trẻ là những người “gánh” cả đơn vị, song lại chỉ được ký hợp đồng, do đơn vị vượt quá định biên. Ảnh: N.Lộc

   

Tình trạng này cũng từng được nhiều đơn vị nghệ thuật biểu diễn "kêu" lên Bộ VH,TT&DL trước đó. Dẫn ví dụ từ chính đơn vị, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam Tạ Duy Ánh cho biết, trong lĩnh vực biểu diễn xiếc, tuổi nghề rất ngắn, nữ chỉ có thể làm việc đến 40 và nam thì 45 tuổi. Tuy nhiên, không thể vì nghệ sỹ hết tuổi biểu diễn mà sa thải vì sẽ trái quy định và làm thế cũng không phù hợp với đạo đức. Trong khi các nghệ sỹ trẻ là những người “gánh” cả đơn vị, song những người này chỉ được ký hợp đồng, do vượt quá định biên nên không thể giữ chân được lâu dài, từ đó gây khó khăn rất lớn cho đơn vị.

Cần cải thiện đời sống cho nghệ sỹ

Do tác động của dịch bệnh, các đơn vị nghệ thuật, nghệ sỹ là một trong những nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong xã hội. Thậm chí, trong điều kiện bình thường, khi chưa có dịch bệnh, điều kiện sống của nghệ sỹ cũng được cho là có nhiều khó khăn. Để nhìn nhận rõ thêm những khó khăn này, cũng như kịp thời động viên nghệ sỹ, chỉ trong chưa đầy 2 tháng gần đây, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các đơn vị nghệ thuật; cũng như trao đổi các vấn đề chính sách liên quan đến nghệ sỹ.
                
   

Đời sống của nghệ sỹ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Ảnh: N.Lộc

   

Trước đó, tại buổi đối thoại của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng với các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ về những khó khăn, vướng mắc hiện nay, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam Nguyễn Thị Bích Ngoan chia sẻ, lương của giám đốc nhà hát hiện chưa nổi 10 triệu đồng/tháng. Các diễn viên trẻ diện hợp đồng với số lương ít ỏi vài ba triệu thì không đủ để trang trải cuộc sống. Đó là một trong những lý do khiến nhiều nghệ sỹ tài năng bỏ nghề hoặc không thể đầu tư sâu cho nghề.

Đề cập thêm về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm nghệ thuật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Nguyễn Xuân Bắc cho rằng, các mức chi hiện nay đã quá lỗi thời, như mức chi 200.000 đồng/buổi diễn áp dụng đối với diễn viên chính, nhạc công chính, chỉ đạo nghệ thuật theo Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg là quá thấp.

Lắng nghe tâm tư, ý kiến của các nghệ sỹ, các đơn vị nghệ thuật, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng chia sẻ với khó khăn mà các đơn vị đang gặp phải, đồng thời thống nhất cần triển khai ngay một số công việc.

Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu thành lập Tổ nghiên cứu, rà soát mô hình phát triển của từng đơn vị theo hướng tinh gọn, tăng thẩm quyền cho ban giám đốc và hội đồng nghệ thuật. Tổ công việc thứ hai sẽ cùng với các đơn vị rà soát lại các chỉ tiêu biên chế, tuyển dụng để làm sao cân đối nhu cầu theo từng đơn vị, không “cào bằng” khi phân chia chỉ tiêu.

Bày tỏ trăn trở vì lương và phụ cấp của nghệ sỹ còn quá thấp, tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, hiện chưa thể ban hành được nghị định về chế độ, lương và phụ cấp cho nghệ sỹ mà vẫn đang áp dụng bậc thang chung, vì vậy Bộ sẽ xem xét, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn cho nghệ sỹ. Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách đối với nghệ thuật biểu diễn để đề xuất sửa đổi, bổ sung, qua đó khắc phục những bất cập này.

NGUYỄN LỘC