Đào tạo lại lao động: Cần thiết nhưng không dễ thực hiện

Xã hội - Ngày đăng : 20:36, 11/07/2021

(BKTO) - Đào tạo lại nguồn lao động được xem là giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời góp phần điều tiết thị trường lao động, hạn chế thất nghiệp. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc này sẽ không dễ thực hiện và khó mang lại hiệu quả như kỳ vọng, nếu không có những đánh giá tác động kỹ lưỡng.


                
   

Theo các chuyên gia, đào tạo lại lao động cần được thực hiện trên cơ sở xác địnhrõ những nhóm ngành, nghề thực sự cần thiết. - Ảnh:dangcongsan.vn

   

Đề xuất chi 800 tỷ đồng để thí điểm đào tạo lại lao động

Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đã đề xuất Chính phủ thực hiện Đề án thí điểm đào tạo, đào tạo lại để nâng tầm kỹ năng nguồn nhân lực, đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Dự thảo Đề án đặt mục tiêu thí điểm đào tạo ít nhất 20 ngành nghề mới (hoặc kỹ năng mới) ở trình độ trung cấp và cao đẳng với khoảng 4.800 người học. Thí điểm đào tạo lại gắn với chuyển đổi việc làm cho người lao động bị tác động bởi công nghệ mới, với số lượng ít nhất 20.000 lượt người đang làm việc tại khoảng 100 DN. Tổng kinh phí dự kiến cho chương trình này khoảng 839 tỷ đồng, lấy từ: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn khác.

Những ngành nghề sẽ được thí điểm là: Giải pháp Blockchain; kết nối hệ thống Robot; kết nối vạn vật; thiết kế thời trang số, trang trại số; nâng cao kỹ năng cho lao động ở một số nghề như: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, tự động hóa, công nghiệp chế biến, nông - lâm nghiệp công nghệ cao, ô tô, cơ khí, năng lượng, du lịch, dệt may... Cùng với đó, đào tạo lại nhóm lao động thuộc lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, cơ khí, dệt may, da giày, khai khoáng, điện tử... để chuyển đổi nghề.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, thí điểm đào tạo và đào tạo lại cho người lao động là việc làm cần thiết. Nhất là hiện nay, dưới tác động của dịch Covid-19, nhiều việc làm đã mất đi, thay vào đó là những việc làm mới áp dụng công nghệ thông tin; trong khi đó, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam gần đây cho thấy, trong 10 năm tới, có 70% số việc làm gặp rủi ro cao bị thay thế bởi máy móc (như nông nghiệp, dệt may, lắp ráp, thủ công...). Điều này đồng nghĩa với việc gia tăng lao động thất nghiệp đối với những nhóm lao động làm việc ở khu vực ngành nghề giản đơn.

Không ít thách thức

Thực tế hiện nay, nhiều lao động không chỉ thiếu kỹ năng, yếu ngoại ngữ mà còn mất điểm khi lúng túng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng suất làm việc.

Tại Hội thảo góp ý Dự thảo “Đề án thí điểm đào tạo, đào tạo lại cho người lao động đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức mới đây, nhiều đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra rằng, Việt Nam vẫn đang tồn tại sự chênh lệch giữa kỹ năng của người lao động có và các kỹ năng mà thị trường lao động cần, dẫn đến tỷ lệ sử dụng lao động qua đào tạo còn thấp, chỉ đạt 21,85%. Trong khi đó, thị trường vẫn thiếu lao động có trình độ, kỹ năng nghề. Rất nhiều chủ DN có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, những kỹ năng mà cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo không đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Dù được đánh giá là giải pháp hiệu quả để thiết lập thị trường lao động bền vững, góp phần hạn chế lao động thất nghiệp nhưng theo các chuyên gia, việc đào tạo lại không đơn giản. Theo TS. Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐ-TB&XH, giữa lúc “sóng” thất nghiệp vẫn còn gia tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì việc đào tạo lại nguồn lao động là giải pháp cần thiết, tuy nhiên, cần có một chiến lược về vấn đề này, trong đó xác định rõ những nhóm ngành, nghề nào thực sự cần thiết để đào tạo cho phù hợp.

“Để không bị lãng phí nguồn nhân ngân sách, cần có đánh giá tác động từ các chương trình đã thực hiện, tránh tình trạng đào tạo ồ ạt, đào tạo cho có như trước đây” - bà Hương nhấn mạnh.

Thực tế, việc đào tạo lại nguồn lao động đã được quy định tại Luật Việc làm. Thậm chí, gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ lao động và DN vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 cũng dự chi khoảng 3.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ trực tiếp cho DN đào tạo nâng cao trình độ lao động song tới nay, chính sách này vẫn rất khó để thực thi như kỳ vọng đề ra./.
LÊ BẢO