“Lỗ hổng” kiến thức pháp luật: Hệ lụy khôn lường với giới trẻ

Xã hội - Ngày đăng : 13:54, 12/07/2021

(BKTO) - Những năm gần đây, tình trạng thanh thiếu niên phạm tội có chiều hướng gia tăng, trong đó, nhiều đối tượng phạm tội khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Cùng với việc tăng về số vụ, tính chất phức tạp và mức độ nghiêm trọng của loại tội phạm này cũng gia tăng. Thực trạng này đòi hỏi cần có giải pháp quyết liệt và đồng bộ nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho giới trẻ.


Bài 1: Trẻ hóa đối tượng vi phạm pháp luật

Thống kê của Bộ Công an cho thấy, trong giai đoạn 2018-2020, cả nước đã ghi nhận 10.786 vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật, với 16.583 đối tượng có liên quan. Riêng năm 2020 đã xảy ra 4.262 vụ với hơn 6.500 đối tượng phạm pháp. Đáng lo ngại là tình trạng tội phạm “nhí” hay người chưa vị thành niên vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng.
                
   

Ảnh minh họa - Ảnh: NGUYỄN ĐÀO

   

Ám ảnh những con số

Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước, nhiều vụ án hình sự cướp của, giết người đã xảy ra với thủ đoạn dã man khiến dư luận bức xúc. Ðiều đáng nói, thủ phạm lại là những thanh, thiếu niên tuổi đời còn rất trẻ song hành vi lại cực kỳ tàn bạo, không phải do sự bồng bột, thiếu hiểu biết, mà trước khi gây án, các đối tượng đều có động cơ phạm tội và thủ đoạn được tính toán kỹ lưỡng. Nhiều vụ việc, các đối tượng chủ ý xuống tay giết chết bị hại để thực hiện bằng được hành vi cướp tài sản.

Đánh giá về thực trạng tội phạm “nhí”, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, từ năm 2018-2020, toàn tỉnh xảy ra hơn 280 vụ vi phạm pháp luật với gần 270 đối tượng là trẻ vị thành niên, trong đó xử lý hình sự 80 vụ, gần 150 đối tượng. Ngoài ra, còn có những người chưa thành niên thành lập các băng nhóm tham gia cướp tài sản rất táo bạo, liều lĩnh.

Còn tại TP. HCM, thiếu tá Trịnh Khánh Hùng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TP. HCM - cho biết, trong giai đoạn từ năm 2018 đến quý I/2021, địa bàn Thành phố xảy ra 516 vụ phạm pháp do người dưới 18 tuổi thực hiện, truy bắt được 884 đối tượng. Đáng chú ý, độ tuổi tội phạm dưới 14 tuổi chiếm 3,62%, đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chiếm 27,26% và dưới 18 tuổi chiếm 69,12%. Trong số 884 người phạm tội, có tới 553 thiếu niên bỏ học, chiếm tỉ lệ 71,44%.

Không chỉ khiến xã hội rúng động bởi những vụ án có tính chất tàn bạo, số trẻ vi phạm Luật An toàn giao thông ngày càng đáng báo động. Theo số liệu thống kê, số người vi phạm an toàn giao thông trong độ tuổi từ 15 - 35 tuổi chiếm gần 70% với các lỗi vi phạm như: sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện, chở quá số người, không đội mũ bảo hiểm... Nhiều trường hợp thanh, thiếu niên chưa đủ tuổi nhưng vẫn điều khiển xe mô tô tham gia giao thông. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng thanh, thiếu niên không chấp hành hiệu lệnh dừng, đỗ, đồng thời có thái độ, lời lẽ thách thức cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ.

Theo báo cáo của Ủy Ban An toàn giao thông, tai nạn giao thông của nhóm tự đi xe đạp điện, xe máy điện và xe máy là cao nhất (khoảng 0,5 vụ/học sinh). Trong đó, tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông của thanh thiếu niên lên tới 7,39/1000 em. Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, hàng loạt tai nạn giao thông chết người đã xảy ra, nguyên nhân là do các em điều khiển phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi cho phép. Điển hình là vụ việc hồi tháng 2 tại Gia Lai, một vụ tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của 4 em học sinh chưa đến 16 tuổi, nguyên nhân là do điều khiển xe máy trên 50 phân khối chạy tốc độ cao.

Chấn động bạo lực học đường

Cùng với tình trạng vi phạm pháp luật của giới trẻ nêu trên, hiện nay, thực trạng bạo lực học đường cũng đang là một vấn nạn gây nhức nhối xã hội trong thời gian gần đây. Chỉ cần gõ từ khóa “bạo lực học đường” lên công cụ tìm kiếm Google, vài giây chúng ta đã có hàng chục ngàn kết quả. Đó chỉ đơn giản là vì những cái nhìn “đểu”, lời qua tiếng lại, hay sự trêu đùa quá trớn mà nhiều em học sinh nhẹ thì bị xé quần áo, chửi bới, nặng hơn là lãnh những trận đòn tập thể thừa sống thiếu chết, thậm chí có những em phải ra đi mãi mãi khi mái đầu còn xanh, để lại bao ước vọng của tuổi trẻ.

Đấy chỉ là những nỗi đau về thể xác, còn những nỗi đau về tinh thần khó chữa lành, có thể đi theo các em đến hết năm tháng cuộc đời. Bởi không ít nạn nhân của bạo lực học đường không được bảo vệ kịp thời đã bỏ học, sa ngã. Thậm chí, nhiều em bị trầm cảm, sang chấn tâm lý, luôn sống trong cảm giác sợ hãi, bị cô lập…

Đáng buồn hơn, những người đã gây ra bạo lực học đường lại chính là những người bạn chung ghế nhà trường cùng các em và cả những người chứng kiến bạo lực nhưng thay vì ngăn cản hành vi xấu lại thờ ơ, vô cảm, dùng điện thoại quay clip tung lên mạng để câu like.

Thực tế cho thấy đây không còn là câu chuyện mới, bạo lực học đường đã tồn tại từ nhiều năm trước, tuy nhiên, theo thời gian, mức độ phổ biến và nghiêm trọng có nguy cơ gia tăng và công khai thách thức dư luận xã hội hơn./.
         
Theo Bộ Công an, tình trạng phạm tội trong thanh thiếu niên có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Quá trình tiếp nhận, xử lý cho thấy, những đối tượng trong độ tuổi thanh thiếu niên vi phạm pháp luật hầu như không có sự theo dõi, giám sát, quản lý chặt chẽ của gia đình. Nhiều em bỏ học sớm, bị bạn bè rủ rê làm việc xấu, vi phạm pháp luật trong một thời gian dài nhưng gia đình không biết.

NGUYỄN ĐÀO