Sơn La: Nhiều giải pháp tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19
Kinh tế - Ngày đăng : 18:39, 12/07/2021
(BKTO) - Tỉnh Sơn La hiện có hơn 78.800 ha cây ăn quả các loại, trở thành địa phương có vùng trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc và đứng thứ 2 cả nước.
Dự kiến năm 2021, tỉnh Sơn La sẽ tiêu thụ khoảng 430.000 tấn nông sản - Ảnh minh họa: sonla.gov.vn |
Theo thống kê, năm 2020, tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp Sơn La đạt gần 7.600 tỷ đồng với tổng sản lượng quả đạt gần 337.000 tấn. Trong đó, hơn 17.500 ha cây trồng đã áp dụng các quy trình sản xuất an toàn; hơn 4.700 ha cây ăn quả các loại đã được cấp 181 mã số vùng trồng; 9 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ. Chỉ tính riêng 5 tháng năm 2021 giá trị nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu ước đạt 47,44 triệu USD, chiếm 88,5% giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu, đạt 31,63% so với kế hoạch xuất khẩu năm 2021.
Để xuất khẩu được các sản phẩm nông sản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công cho biết, thời gian qua, Sơn La đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như định hướng thị trường tiêu thụ quốc tế, trong đó tập trung xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, để kích cầu tiêu thụ và sản xuất trong nước; thành lập Ban Chỉ đạo sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản từ tỉnh đến các địa phương.
Trong thời gian tới, Sơn La sẽ tập trung sản xuất theo chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để mang lại sản lượng lớn, tăng giá trị sản phẩm. Đồng thời, đổi mới quy trình sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu theo đơn đặt hàng… Dự kiến năm 2021, tỉnh Sơn La sẽ tiêu thụ khoảng 430.000 tấn nông sản.
Mặc dù vậy, trong giai đoạn hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ nông sản gặp không ít khó khăn. Bà Nguyễn Thị Dung - Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Hoàng - cho rằng do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nên năm nay giá nông sản rất thấp; đặc biệt, hàng hóa nông sản ứ đọng nhiều nhưng thiếu kho lạnh để bảo quản.
“Các cấp, ngành cần quan tâm hỗ trợ hợp tác xã về dây chuyền sơ chế và kho bảo quản lạnh nông sản; thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sâu trên địa bàn nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản hiệu quả, bền vững” - bà Dung đề xuất.
Theo Thứ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam, đối với các tỉnh vùng sâu, vùng xa, việc sơ chế, bảo quản rất quan trọng. Hiện nay, Bộ đang xây dựng chương trình nâng cao năng lực chế biến quy mô vừa và nhỏ, trong đó, Sơn La được xác định là vùng trọng điểm phía Bắc để tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Do vậy, Bộ NN&PTNT sẽ quan tâm xây dựng một số kho bảo quản lạnh để đảm bảo việc sơ chế, bảo quản trong thời gian nhất định.
Ngoài ra, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, để thúc đẩy quá trình tiêu thụ nông sản của Sơn La nói riêng và cả nước nói chung, Bộ NN&PTNT đang đẩy mạnh các giải pháp như: xây dựng các vùng nguyên liệu, cấp mã số vùng trồng, chuyển giao khoa học, tổ chức liên kết sản xuất, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá về năng lực của ngành chế biến nông sản.
Đồng thời, tiếp tục xây dựng các chuỗi liên kết giữa hợp tác xã, DN, người dân để tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử; phối hợp với các Bộ, ngành tháo gỡ rào cản kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu…
LÊ HÒA