Bảo hiểm như "bộ giảm xóc" trước rủi ro bất ngờ của đại dịch

Đầu tư - Ngày đăng : 16:09, 13/07/2021

(BKTO) - Theo báo cáo mới nhất của Deloitte, thị trường bảo hiểm toàn cầu chịu ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch Covid-19 khiến chuỗi tăng trưởng ấn tượng liên tục trong suốt 10 năm qua bị đứt gãy. Tuy nhiên, tại Việt Nam, ngành bảo hiểm lại có mức tăng trưởng ấn tượng nhờ thể hiện tốt vai trò như một “bộ giảm xóc” trước những rủi ro và tác động bất ngờ do đại dịch Covid-19 gây ra.


                
   

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát tháng 6/2020 và tháng 6/2021

   

Mang đến giải pháp quản lý rủi ro

Bằng những phản ứng linh hoạt và kịp thời, ngành bảo hiểm được coi như tấm lá chắn tài chính an toàn trước những rủi ro, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nền kinh tế, sinh kế của người dân. Con số minh chứng là trong năm 2020, ngành bảo hiểm đã giải quyết tốt quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng, tổng chi phí đạt 48.223 tỷ đồng (tăng 11,4% so với năm 2019). Các doanh nghiệp bảo hiểm đã tích cực đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Để đạt được kết quả như trên, toàn ngành bảo hiểm đã nỗ lực điều chỉnh hoạt động để thích nghi với những tác động do đại dịch gây ra. Khảo sát của Vietnam Report cho thấy so với cách đây một năm, mức độ ảnh hưởng của đại dịch đến việc ra quyết định của doanh nghiệp bảo hiểm trong một số lĩnh vực đã có sự thay đổi.

Nếu như năm ngoái có khoảng 33% số doanh nghiệp bảo hiểm tỏ ra khá thận trọng khi đưa ra quyết định thì năm nay, phần lớn doanh nghiệp bảo hiểm quyết đoán hơn. Cụ thể, trên 50% số doanh nghiệp bảo hiểm đang từng bước thay đổi các quyết định liên quan đến chuyển đổi số, quản lý và tiếp cận khách hàng, nghiên cứu phát triển sản phẩm và giám định bồi thường. Tỷ lệ doanh nghiệp bảo hiểm hiện đang tập trung rà soát lại công tác quản trị nhân lực đạt 29%, tăng đáng kể so với mức 14% của năm trước.

Khoảng 18-29% số doanh nghiệp bảo hiểm cho biết mảng quản trị rủi ro, quản lý dịch vụ và hỗ trợ khách hàng tiếp tục nằm trong diện cần rà soát. Những hoạt động này cần có những chiến lược linh hoạt, phản ứng nhanh với thay đổi của thị trường nên cần phải liên tục đánh giá hiệu quả sau từng giai đoạn. Chẳng hạn, để đối phó với đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã nhanh chóng chuyển sang mô hình làm việc tại nhà. Đây là một sự thay đổi mang tới nhiều thách thức.

Trả lời khảo sát, 35,3% số doanh nghiệp bảo hiểm cho biết quy trình vận hành trực tuyến tại doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Mặc dù các doanh nghiệp bảo hiểm đã tăng cường sử dụng công nghệ kỹ thuật số nhưng việc chuyển toàn bộ hoạt động sang làm việc tại nhà đã cho thấy nhiều nhân viên không có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hoặc hệ thống bảo mật cần thiết để xử lý thông tin khách hàng. Thêm vào đó, mô hình này cũng gây ra nhiều hiểu lầm trong việc quản trị, tổ chức doanh nghiệp do giao tiếp kém hiệu quả, thông tin không rõ ràng.
                
   

Nguồn: Vietnam Report,Khảo sát tháng 6/2020 và tháng 6/2021

   

Doanh nghiệp thận trọng trước diễn biến dịch bệnh

Báo cáo Bảo hiểm Toàn cầu Allianz mới nhất cho biết ngành bảo hiểm đã vượt qua cơn bão Covid-19 với khả năng phục hồi tốt hơn. Bối cảnh bình thường tiếp theo mở ra những cơ hội mới khi tăng trưởng được kỳ vọng cho cả ngành bảo hiểm và nền kinh tế.

Đối với Việt Nam, nối tiếp đà tăng trưởng của năm 2020, 75% số doanh nghiệp bảo hiểm khảo sát đã ghi nhận kết quả tích cực trong quý I/2021. Tuy nhiên, kể từ khi Việt Nam bước vào giai đoạn bùng phát dịch lần thứ tư liên quan đến biến chủng của virus với những diễn biến phức tạp và khó lường, các doanh nghiệp trong ngành trở nên thận trọng hơn về triển vọng kinh doanh những tháng cuối năm.
                
   

Nguồn: Vietnam Report,Khảo sát tháng 6/2020 và tháng 6/2021

   

Chỉ có khoảng 52,9% doanh nghiệp bảo hiểm tỏ ra lạc quan với kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm 2021, giảm đáng kể so với mức 90,5% của năm ngoái. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng kinh doanh khó khăn hơn tăng mạnh từ 4,8% lên 35,3%.

Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, mặc dù đã có vắc-xin phòng ngừa Covid-19 nhưng thử thách phía trước vẫn rất khó lường nên khó có thể đưa ra dự báo cụ thể về mức tăng trưởng năm 2021 của ngành nói chung.

P.KHANG