Thúc đẩy hợp tác vì mục tiêu công nghiệp hóa nền nông nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 16:07, 14/07/2021

(BKTO) - Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa Ký kết "Chương trình phối hợp về phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa nền nông nghiệp Việt Nam và khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế”.


                
   

Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT ký kết hợp tác nhằm chung tay khẳng định thương hiệu nông sản Việt - Ảnh: moit.gov.vn

   

Theo Chương trình phối hợp, Bộ NN&PTNT thành lập Ban chỉ đạo thị trường nông sản để chủ động phối hợp các đơn vị của Bộ Công Thương theo định kỳ hoặc đột xuất. Ban chỉ đạo gồm 4 Tổ công tác chuyên đề: Mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản; Xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất và phát triển thị trường nông sản; Phân tích, dự báo, định hướng thị trường nông sản; Truyền thông thị trường nông sản.

Bộ Công Thương cử các đầu mối phụ trách tham gia, phối hợp với các Tổ công tác chuyên đề thuộc Ban Chỉ đạo thị trường nông sản NN&PTNT. Ngoài Chương trình phối hợp chung của hai Bộ, các đơn vị trực thuộc chủ động xây dựng chương trình phối hợp cụ thể theo tình hình, chức năng, nhiệm vụ đặc thù của các đơn vị.

Trên quan điểm hợp tác, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) sẽ là đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc hai Bộ nhằm phối hợp triển khai chương trình. Lãnh đạo hai Bộ bày tỏ hy vọng, chương trình phối hợp sẽ đưa thương hiệu nông sản Việt lên tầm cao mới, hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn...

Để Chương trình đi vào thực tiễn và đạt hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị, lãnh đạo hai Ngành sẽ tập trung chỉ đạo, tháo gỡ những vướng mắc, ách tắc bấy lâu nay mà hai Bên chưa giải quyết được hoặc giải quyết chưa triệt để. Bên cạnh đó, khẩn trương thể chế hóa những cam kết trong Chương trình phối hợp bằng những kế hoạch, hành động cụ thể để tiến tới những kết quả rõ nét hơn.

Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đề xuất, hai Bên cần thống nhất cử một Cơ quan đại diện làm thường trực và mỗi bên cử một lãnh đạo cấp Bộ để thường xuyên trao đổi thông tin, chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc thực hiện Chương trình phối hợp. Theo đó, định kỳ 6 tháng hoặc chậm nhất là một năm, hai Bên cần tiến hành kiểm điểm, đánh giá lại chương trình hợp tác. Trên cơ sở đó, lãnh đạo của hai Ngành chủ động báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có được sự hỗ trợ kịp thời của cấp trên.

Nhất trí cao với những đề xuất của ngành Công Thương, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, việc Ký kết hợp tác giữa hai Bộ đã giúp tháo gỡ được một “nút thắt” rất lớn trong chức năng, nhiệm vụ của Bộ NN&PTNT.

“Bởi suy cho cùng, thị trường sẽ quyết định mọi thứ, nông sản muốn đưa được đến tay người tiêu dùng ở trong và ngoài nước thì vẫn cần thị trường và chức năng thị trường nằm phần lớn ở Bộ Công Thương” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu quan điểm; đồng thời cho rằng, cần phải gắn kết thông tin kịp thời giữa đầu cung do Bộ NN&PTNT quản lý và đầu cầu do Bộ Công Thương quản lý. Khớp nối được những thông tin về nhu cầu và quy chuẩn của thị trường thì chúng ta sẽ chủ động trong lãnh đạo, điều hành sản xuất để thông suốt, không bị ách tắc do mùa vụ.

Do vậy, “Quyết định hợp tác giữa hai Bộ đã giúp mở ra được một bước ngoặt trong việc giải quyết bài toán thị trường” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
LÊ HÒA