Vướng quy định mới, hoa Đà Lạt không thể xuất khẩu

Kinh tế - Ngày đăng : 16:07, 14/07/2021

(BKTO) - Do quy định “đối đầu” giữa các bên, mới đây hàng trăm nghìn cành hoa Đà Lạt (Lâm Đồng) chuẩn bị xuất khẩu sang Úc đã phải tiêu hủy hàng loạt. Nếu không sớm tháo gỡ vướng mắc, nguy cơ hoa Đà Lạt đánh mất thị trường Úc (thị trường xuất khẩu lớn thứ hai, sau Nhật Bản) đang dần hiện hữu.


                
   

Nếu quy định về việc sử dụng hoạt chất Glyphosate không được thay đổi, trung bình mỗi tuần sẽ có gần 600 nghìn cành hoa của người dân và DN tại Đà Lạt phải tiêu huỷ do không thể xuất khẩu sang Úc - Ảnh: N.Dũng

   

Hàng trăm nghìn cành hoa bị tiêu hủy do vướng quy định mới

Ông Lê Mỹ Thành (TP. Đà Lạt) hàng ngày vẫn ra vườn để chăm sóc diện tích 0,7ha hoa cúc của gia đình như một thói quen. Những bông hoa này đang sắp thu hoạch nhưng lại không biết bán cho ai, dù gia đình đang liên kết sản xuất với công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Đà Lạt Hasfarm suốt 5 năm qua để xuất khẩu sang thị trường Úc theo đơn đặt hàng từ trước. “Bây giờ cứ ra vườn chăm hoa vậy thôi, nhưng không tiêu thụ được, công sức bỏ ra cả năm trời mà giờ phải cắt bỏ, xót xa lắm” - ông Thành chia sẻ.

Thống kê cho thấy, trên địa bàn TP. Đà Lạt hiện có khoảng 40 hộ dân liên kết với Công ty TNHH Dalat Hasfarm để trồng hoa xuất khẩu với diện tích khoảng 20ha. Cách đây vài ngày, gần 160 nghìn cành hoa cúc, cẩm chướng dù đã được phía công ty đóng thùng hoàn chỉnh, sẵn sàng xuất khẩu sang Úc nhưng lại buộc phải quay đầu, tháo dỡ khỏi container để đem đi tiêu hủy.

Theo tìm hiểu của phóng viên, để xuất khẩu hoa sang thị trường Úc, trong quá trình xử lý sau thu hoạch theo quy định của nước nhập khẩu, đơn vị xuất khẩu trong nước phải sử dụng một lượng rất nhỏ hoạt chất Glyphosate để ngâm cành hoa trong 20 phút nhằm triệt mầm hoa cúc. Điều đáng nói, quy trình này diễn ra bình thường trong nhiều năm nay và được kiểm soát nghiêm ngặt bởi các cơ quan chức năng, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường.

Tuy nhiên, Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quy định, các thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chứa Glyphosate không được sản xuất, nhập khẩu, chỉ được buôn bán, sử dụng đến hết ngày 31/6/2021. Quy định này đã khiến DN xuất khẩu hoa tươi, người nông dân và chính quyền tỉnh Lâm Đồng đều gặp không ít khó khăn.

Ông Adrianus Gordijn - Tổng giám đốc Công ty TNHH Dalat Hasfarm cho biết, công ty hoàn toàn ủng hộ chủ trương ngừng sử dụng hoạt chất Glyphosate tại Việt Nam nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân và bảo vệ môi trường, tuy nhiên, nước nhập khẩu hoa (Úc) không chấp nhận tiệt mầm cành hòa bằng hoạt chất khác, ngoài Glyphosate.
                
   

Công nhân của công ty TNHH Dalat Hasfarm phân loại và đóng gói hoa trước khi đóng thùng xuất khẩu - Ảnh: N.Dũng

   

Theo thống kê của Dalat Hasfarm, do kế hoạch sản xuất của công ty và đơn hàng liên kết với nông dân đã có từ đầu năm nên trong thời gian tới, trung bình mỗi tuần DN này phải tiêu hủy 500 nghìn cành hoa, 1 tháng khoảng 2 triệu cành và trong 6 tháng cuối năm sẽ tiêu hủy gần 20 triệu cành hoa do không thể xuất khẩu sang thị trường Úc, với thiệt hại ước tính hơn 60 tỷ đồng.

Ngoài Dalat Hasfarm, Công ty Dalat Evergreen (TP.Đà Lạt) có khoảng 1ha hoa cúc phục vụ thị trường Úc với sản lượng 200 nghìn cành/tháng cũng đang nguy cơ nằm trong tình cảnh tương tự.

Cần sớm có giải pháp để nối lại thị trường xuất khẩu

Theo Hiệp hội hoa Đà Lạt, thị trường Úc đóng vai trò rất quan trọng của ngành hoa Đà Lạt với sản lượng gần 30 triệu cành hoa/lá trang trí, đạt doanh thu 5,2 triệu USD/năm. Đây là thị trường truyền thống trong 23 năm qua và đang tăng trưởng liên tục trong những năm gần đây. Việc Bộ NN&PTNT không cho phép sử dụng hoạt chất Glyphosate để triệt mầm hoa đang gây thiệt hại ban đầu của nhà vườn và DN đã rõ. Nhưng nếu vướng mắc này không sớm được tháo gỡ, nguy cơ đánh mất thị trường xuất khẩu hoa Đà Lạt sang Úc sẽ là thiệt hại chưa thể đo đếm được.

Hiệp hội hoa Đà Lạt lo ngại, nhiều năm qua, Trung Quốc và Malaysia cạnh tranh với Việt Nam xuất khẩu hoa qua Úc, nhưng Úc chọn hoa Đà Lạt. Nay nếu hoa Đà Lạt không qua được Úc do vướng quy định không được sử dụng hoạt chất Glyphosate thì chắc chắn Trung Quốc sẽ chiếm mất thị trường truyền thống này, đây mới là thiệt hại lâu dài cho ngành sản xuất hoa Đà Lạt.

Sau khi nhận được kiến nghị của UBND tỉnh Lâm Đồng, mới đây Cục BVTV cho biết, Bộ nông nghiệp Úc đã đồng ý thay thế hoạt chất Glyphosate và đang trong quá trình đợi phía Úc chấp nhận các hoạt chất thay thế khác.

Trước tình thế cấp bách như hiện nay, nhiều DN trồng hoa xuất khẩu trên địa bàn TP.Đà Lạt kiến nghị, Cục BVTV cho phép gia hạn sử dụng hoạt chất Glyphosate để tiếp tục xuất khẩu hoa sang Úc, tránh đứt gãy nguồn cung dẫn đến đánh mất thị trường tiềm năng này. Đồng thời, Bộ NN&PTNT cần đẩy nhanh tiến độ làm việc với cơ quan chức năng của Úc để có tiếng nói chính thức, thay đổi các quy định về sử dụng Glyphosate bằng hoạt chất phù hợp với quy định của Việt Nam nhằm sớm nối lại thị trường xuất khẩu.

Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Đình Sơn cho hay, Lâm Đồng hiện có 6 DN đang trồng hoa xuất khẩu đi Úc, nếu không có biện pháp cấp bách lúc này thì hơn 40 triệu cành, giống hoa sẽ đổ bỏ. Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Châu khẳng định, với bối cảnh dịch Covid 19 vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, rất cần sự đồng hành, tháo gỡ khó khăn kịp thời của các ngành liên quan để tạo ra lối mở cho hoa Đà Lạt tiếp tục đứng vững trên thị trường xuất khẩu.
L.HÒA - N.DŨNG