VCCI: Dự thảo hướng dẫn về quản lý kinh doanh vàng vẫn gây khó cho doanh nghiệp

Đối nội - Ngày đăng : 21:30, 14/07/2021

(BKTO) - Góp ý cho Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, một số quy định của Dự thảo vẫn còn gây khó cho doanh nghiệp (DN).


                
   

VCCI cho rằng, một số quy định tạiDự thảo hướng dẫn về quản lý kinh doanh vàng vẫn gây khó cho DN - Ảnh minh họa: chinhphu.vn

   

Cụ thể, tại Điều 2.3 Dự thảo yêu cầu DN, tổ chức tín dụng phải thực hiện báo cáo theo quý nếu có thực hiện thay đổi nội dung thông tin DN, tổ chức tín dụng trên Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.

Theo VCCI, quy định này được cho là nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính từ thay đổi giấy phép thành thủ tục báo cáo định kỳ, tuy nhiên, quy định này vẫn cần được cân nhắc lại do chưa thực sự hợp lý.

VCCI phân tích, các thay đổi nội dung thông tin DN đều phải thực hiện thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Như vậy, các dữ liệu về nội dung thông tin DN đều được lưu giữ trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN, tương tự, các thông tin thay đổi của tổ chức tín dụng đều được Ngân hàng Nhà nước nắm giữ. Các cơ quan quản lý nhà nước trên có thể chia sẻ thông tin hoặc truy cập trên cơ sở dữ liệu điện tử để thực hiện chức năng quản lý của mình.

Từ đó, VCCI cho rằng, việc yêu cầu DN phải báo cáo các vấn đề liên quan đến thay đổi thông tin DN, sẽ khiến DN phải thực hiện 2 thủ tục cho cùng một nội dung thay đổi tại 2 cơ quan quản lý khác nhau.

“Vì vậy, để tạo thuận lợi cho DN mà vẫn đảm bảo quản lý nhà nước, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định trên và bổ sung quy định về chia sẻ các thông tin trên giữa các cơ quan quản lý nhà nước” - VCCI góp ý.

Tại Điều 1.2 Dự thảo quy định về thủ tục, hồ sơ khi DN thực hiện thủ tục cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu theo cơ chế một cửa quốc gia.

Theo VCCI, quy định này cần xem xét ở một số điểm như: Điều 15.5.a Dự thảo quy định các tài liệu trong hồ sơ điện tử là bản điện tử quét từ bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực.

Tuy nhiên, quy định này dường như không cần thiết, bởi Điều 15.3 Nghị định 85/2019/NĐ-CP công nhận tính hợp pháp của chứng từ điện tử chuyển đổi từ chứng từ giấy nếu đáp ứng tính toàn vẹn của chứng từ giấy và có chữ ký số.

“Dự thảo đã yêu cầu hồ sơ điện tử phải sử dụng chữ ký số, do vậy đã đảm bảo tính pháp lý của chứng từ điện tử chuyển đổi từ chứng từ giấy, khi đó, việc yêu cầu tính pháp lý của chứng từ giấy là không cần thiết. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này và thực hiện theo quy định của Nghị định 85/2019/NĐ-CP” - VCCI kiến nghị.

Cũng theo VCCI, tại Điều 15.5.a yêu cầu các tài liệu (trừ văn bản đề nghị cấp phép nhập khẩu) phải là bản điện tử quét từ bản gốc, tuy nhiên, quy định này chưa hợp lý, vì ngoài tài liệu trên, một số tài liệu khác trong Hồ sơ cấp phép cũng có thể khai báo trên Cổng thông tin một cửa quốc gia như báo cáo tình hình thực hiện xuất, nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm vàng; bản kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

“Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định cho phép DN được lựa chọn khai các tài liệu trên trên Cổng thông tin một cửa quốc gia hoặc nộp bản điện tử quét từ bản gốc” - VCCI góp ý.

Ngoài ra, tại Điều 15.5.b quy định thời hạn cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu qua Cổng thông tin một cửa quốc gia là 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Như vậy, thời hạn thực hiện qua Cổng thông tin một cửa quốc gia cũng bằng thời gian xử lý khi các DN nộp thủ tục bằng giấy.

Theo VCCI, để tạo điều kiện thuận lợi hơn và thúc đẩy DN thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường số, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc giảm thời gian cấp phép giấy phép nhập khẩu vàng miếng qua Cổng thông tin một cửa quốc gia./.

DIỆU THIỆN