Vietnam Airlines: Nhiều giải pháp để tăng doanh thu, vượt qua đại dịch

Đối nội - Ngày đăng : 17:35, 15/07/2021

(BKTO) - Để sớm “khắc chế” khủng hoảng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng doanh thu, vượt qua đại dịch Covid-19, Vietnam Airlines đã đưa ra nhiều giải pháp như tăng cường bay nội địa, phát hành cổ phiếu, đặc biệt là xây dựng Đề án thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hoá chuyên biệt.


                
   

Năm 2021, Vietnam Airlines xây dựng kế hoạch khả thi với mục tiêu doanh thu hợp nhất 37.364 tỷ đồng, tương đương 88,4% so với năm 2020 - Ảnh minh họa: TTXVN

   

6 tháng, Vietnam Airlines ước lỗ khoảng 9.823 tỷ đồng

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết, năm 2020 được đánh giá là năm tồi tệ của ngành hàng không thế giới khi mức lỗ ước tính lên tới 117 tỷ USD và nhiều hãng hàng không lớn bị phá sản. Trong nước, Vietnam Airlines và các hãng hàng không khác cũng chìm trong "cơn bĩ cực", riêng Vietnam Airlines phải tái cơ cấu toàn diện để cắt giảm chi phí.

Trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, hàng loạt kế hoạch đã được Vietnam Airlines đưa ra như: Tái cơ cấu tài chính; giãn hoãn các khoản vay; tái cơ cấu các hãng hàng không trực thuộc (Paciffic Airlines, Vasco), huy động vốn từ các đối tác, chở khách hồi hương; điều chỉnh lao động, tiền lương, dừng thuê phi công nước ngoài... Nhờ những nỗ lực tự thân của Vietnam Airlines, cùng sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành đã giúp Hãng giảm lỗ gần 5.800 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, số liệu thống kê cho thấy, Vietnam Airlines đang là DN có kết quả kinh doanh thua lỗ nhất ngành hàng không. Lũy kế cả năm 2020, DN này đạt doanh thu thuần gần 40.613 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019; lợi nhuận sau thuế âm gần 11.098 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ lãi 2.537 tỷ đồng.

Bước sang năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn, nhất là đợt dịch lần thứ 4, khiến doanh thu hàng không nói chung và Vietnam Airlines nói riêng trong 6 tháng năm 2021 sụt giảm nghiêm trọng, công ty mẹ ước lỗ khoảng 9.823 tỷ đồng, lỗ hợp nhất 10.788 tỷ đồng; các chỉ số tài chính diễn biến theo hướng rất tiêu cực và rủi ro.

Những tháng cuối năm 2021 được đánh giá vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, song những điểm sáng về tiêm chủng vắc-xin và hộ chiếu sức khỏe điện tử đang mang đến cơ hội “mở cửa bầu trời” vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. Năm nay, Vietnam Airlines xây dựng kế hoạch khả thi với mục tiêu doanh thu hợp nhất 37.364 tỷ đồng, tương đương 88,4% so với năm 2020.

Nhiều giải pháp tăng doanh thu

Để vượt qua đại dịch và nắm bắt cơ hội phát triển, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Vietnam Airlines diễn ra ngày 14/7, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, Hãng sẽ tiếp tục tìm mọi giải pháp tăng thu và cắt giảm, tối ưu hóa chi phí; tái cơ cấu danh mục đầu tư vốn ra ngoài DN; kiện toàn tổ chức các khối theo hướng tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, tinh giản số lượng lao động… Dự kiến, tổng chi phí cắt giảm, tiết kiệm bằng các giải pháp tự thân năm 2021 đạt được trên 6.800 tỷ đồng.

Bên cạnh các giải pháp cắt giảm chi phí tự thân, Vietnam Airlines chủ động lên kế hoạch bay quốc tế và nội địa. Theo đó, Hãng sẽ tận dụng các cơ hội phục hồi đến từ kiểm soát dịch bệnh, tiêm chủng vắc-xin và hộ chiếu sức khỏe điện tử; tiếp tục thực hiện các chuyến bay quốc tế chở công dân về nước, chở chuyên gia, phối hợp thí điểm “hộ chiếu vắc-xin”.

Trên thị trường nội địa, Vietnam Airlines xây dựng lộ trình khôi phục hoàn toàn mạng đường bay cho giai đoạn sau dịch bệnh; tìm các cơ hội mở thêm các đường bay địa phương mới, với mục tiêu đạt 51% thị phần vận chuyển hành khách nội địa năm 2021 của Vietnam Airlines Group.

Đáng chú ý, trong bối cảnh các chuyến bay chở khách giảm, Vietnam Airlines đang xây dựng và hoàn thiện Đề án hãng hàng không hàng hóa. “Việc này Hãng đã nghiên cứu từ cách đây 4 năm nhằm khai thác vận tải hàng hóa riêng biệt giữa Việt Nam và các nước trên thế giới” - lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết.

Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Hãng đã tiến hành hoán cải nhiều tàu bay như: Boeing 787, Airbus A350, Airbus A321 để chở hàng trên khoang hành khách, làm tăng năng lực chuyên chở hàng hóa trên mỗi loại máy bay lên gấp 1,8-2 lần so với chở hàng tại khoang bụng; đồng thời xây dựng lịch bay thường lệ chở hàng quốc tế với 30 đường bay và tổ chức hơn 3.500 chuyến bay chở hàng.

Nhờ đó, doanh thu vận chuyển hàng hóa tăng nhanh và chiếm gần 30% tổng doanh thu của Hãng (giai đoạn trước dịch Covid- 19 doanh thu hàng hóa chỉ chiếm 9%); năm 2020, Vietnam Airlines đứng đầu trong các hãng hàng không Việt Nam về thị phần vận tải hàng hóa nội địa và quốc tế.

Cùng với đó, kế hoạch bán 6 máy bay ATR-72 cũ, thay thế bằng các máy thế hệ mới như Airbus A320, A321 để tiết kiệm chi phí, đảm bảo ổn định khai thác, nâng cao chất lượng dịch vụ cũng đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021.

Với các giải pháp tài chính, Vietnam Airlines đã hoàn thành việc lựa chọn, ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại trước khi chính thức tiến hành giải ngân gói vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng. Ngoài ra, phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn 8.000 tỷ đồng cũng đã được thông qua và dự kiến các thủ tục phát hành sẽ hoàn tất vào cuối quý III/2021.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Thị Phú Hà đánh giá cao Vietnam Airlines đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp tự thân để tiết kiệm chi phí, giảm thiểu thiệt hại, luôn tìm kiếm và tận dụng những cơ hội dù là nhỏ nhất để gia tăng doanh thu, vượt qua đại dịch. “Với vai trò là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ luôn quan tâm, theo sát Hãng, kịp thời phối hợp với các Bộ, ngành đưa ra những định hướng, giải pháp tháo gỡ khó khăn và tạo đà phục hồi sau đại dịch” - bà Hà khẳng định.

LÊ HÒA