VCCI: Mua, bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa vẫn có nhiều vướng mắc

Đối nội - Ngày đăng : 04:20, 16/07/2021

(BKTO) - Nghị định 51/2018/NĐ-CP về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa (GDHH) đã giúp kết nối liên thông giữa Sở GDHH Việt Nam với các Sở GDHH trên thế giới, mở cánh cửa cho nhà đầu tư trong nước đến với thị trường quốc tế, tuy nhiên, trên thực tiễn vẫn có nhiều vướng mắc.


Đây là đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi trả lời công văn của Bộ Công Thương về việc rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị định 51/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH (Nghị định 51/2018/NĐ-CP).
                
   

Theo VCCI, việc mua, bán hàng hóa qua Sở GDHH vẫn có nhiều vướng mắc - Ảnh minh họa: chinhphu.vn

   

Theo VCCI, Nghị định 51/2018/NĐ-CP đã bổ sung Điều 16a cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được giao dịch tại Sở GDHH ở Việt Nam.

Tuy nhiên, theo VCCI, hiện chưa có bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào mở tài khoản và giao dịch trên Sở GDHH ở Việt Nam, trong khi nhu cầu giao dịch tương đối lớn, đặc biệt đối với các mặt hàng mà Việt Nam sản xuất và xuất khẩu nhiều như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, gạo.

Nguyên nhân là do các quy định pháp luật trong nước có liên quan về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH của nhà đầu tư nước ngoài chưa rõ ràng.

Ví dụ, pháp luật đầu tư chưa đưa ra mô tả về loại hình đầu tư (gián tiếp hay trực tiếp), hình thức đầu tư, trình tự, thủ tục đầu tư; pháp luật về ngoại hối, Luật Các tổ chức tín dụng chưa có hướng dẫn trong vấn đề thanh toán, quản lý dòng tiền, tài sản, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, chưa có cơ chế tổ chức, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc quản lý lĩnh vực này.

“Để đảm bảo sự công bằng giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết nhu cầu giao dịch hàng hóa tại Sở GDHH ở Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước, phù hợp với các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, đề nghị xây dựng các quy định chi tiết về hoạt động giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài mua bán hàng hóa qua Sở GDHH” - VCCI kiến nghị.

Ngoài ra, VCCI cũng góp ý, Thông tư 40/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định cho phép các ngân hàng thương mại được phép cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả. Thông tư 40/2016/TT-NHNN ra đời khi nhu cầu thị trường về bảo hiểm giá nguyên liệu đầu vào đang tăng mạnh, đa dạng về nhiều nhóm hàng hóa nhưng chưa có kênh triển khai, chưa có quy định cụ thể (sau này đã được quy định tại Nghị định 51/2018/NĐ-CP), các Sở GDHH ở Việt Nam chưa được liên thông với các Sở GDHH trên thế giới.

Cùng với đó, theo Thông tư 40/2016/TT-NHNN, các ngân hàng thương mại hoạt động có tính chất giống như một thành viên kinh doanh của Sở GDHH ở nước ngoài, nhưng không chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại và các Nghị định về Sở GDHH (không phải đáp ứng các điều kiện cung cấp sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa), không chịu sự quản lý của Bộ Công Thương trong lĩnh vực này.

Theo VCCI, quy định như vậy không hợp lý, không đạt được hiệu quả về quản lý nhà nước, bởi về mặt pháp luật, các ngân hàng cũng phải tuân thủ quy định chung về Sở GDHH.

“Do đó, đề nghị cơ quan chức năng xem xét chấm dứt hiệu lực của Thông tư 40/2016/TT-NHNN để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, hạn chế chồng chéo trong quản lý nhà nước và đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp kinh doanh trong cùng một lĩnh vực” - VCCI kiến nghị./.
DIỆU THIỆN