Bất cập trong đào tạo sau đại học: Thừa tiến sĩ “giấy”, thiếu chất lượng

Xã hội - Ngày đăng : 10:15, 05/09/2017

(BKTO) - Hàng loạt sai phạm trong công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo sau đại học (ĐH) của Học viện Khoa học xã hội (KHXH) vừa được chỉ ra trong kết luận thanh tra mới đây. Sự việc một lần nữa gióng lên hồi chuông đáng báo động về tình trạng đào tạo tràn lan, làm giảm chất lượng nguồn nhân lực trình độ thạc sĩ, tiến sĩ hiện nay.


Thanh tra ra… sai phạm

Câu chuyện về đào tạo sau đại học (ĐH) của Học viện KHXH đã râm ran từ nhiều tháng trước, khi đơn vị này được cho là đào tạo vượt quá chỉ tiêu hàng loạt tiến sĩ. Sau những nghi vấn được đặt ra, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã vào cuộc kiểm tra vấn đề đào tạo sau ĐH của cơ sở này. Kết quả, việc tự xác định đội ngũ giảng viên cơ hữu của Học viện là chưa phù hợp quy định; công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ được tổ chức thiếu công khai, minh bạch; tuyển thí sinh chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn; chưa thực hiện việc công bố công khai chương trình đào tạo, mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trên trang thông tin điện tử theo quy định tại Thông tư 32/2015/TT-BGDĐT ngày 16/12/2015 của Bộ GD&ĐT.

Điều đáng nói, cơ quan thanh tra xác định cơ sở này còn để thành viên không đủ điều kiện tham gia hội đồng (không cùng ngành, chuyên ngành với học viên) đánh giá luận văn tốt nghiệp trình độ thạc sĩ năm 2016 ngành Quản lý giáo dục. Thậm chí, khi kiểm tra danh sách phân công hướng dẫn thạc sĩ ngành Luật, ngành Chính sách công và ngành Công tác xã hội năm 2015 cho thấy, có nhiều người được phân công hướng dẫn học viên tại cùng thời điểm vượt quá số lượng quy định. Việc quản lý hồ sơ đào tạo còn nhiều sai sót.

Tương tự, đối với công tác tuyển sinh, đào tạo trình độ tiến sĩ cũng nổi lên nhiều sai phạm: chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ không đảm bảo khối lượng kiến thức tối thiểu theo đúng quy định; phân công người hướng dẫn nghiên cứu sinh (NCS) không cùng ngành, chuyên ngành với NCS; số lượng NCS đang hướng dẫn tại một thời điểm vượt quá số lượng quy định.

Thanh tra Bộ GD&ĐT đã đề nghị Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (cơ quan chủ quản) chấn chỉnh công tác tuyển sinh, tổ chức quản lý đào tạo của Học viện KHXH, đồng thời có biện pháp kiểm tra, giám sát, chỉnh đốn kịp thời các thiếu sót, sai phạm. Tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm các tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý được nêu trong kết luận thanh tra.

Loại bỏ tiến sĩ “giấy”

Đây cũng không phải là lần đầu tiên, Bộ GD&ĐT thực hiện thanh tra công tác đào tạo sau ĐH và phát hiện nhiều sai phạm. Trong quá trình tiến hành thẩm định công tác đào tạo tiến sĩ ở các trường ĐH trong hai năm 2013 và 2014, Bộ này cũng phát hiện có đến một nửa số cơ sở đào tạo không làm đúng quy trình đào tạo tiến sĩ. Nổi lên là một số hạn chế, như: việc quản lý hồ sơ đào tạo NCS không đầy đủ, chưa đảm bảo quy trình bảo vệ luận án; chất lượng luận án tiến sĩ chưa cao…

Yêu cầu siết chặt đào tạo tiến sĩ nói riêng và sau ĐH nói chung tiếp tục được đặt ra trong bối cảnh số lượng giảng viên chất lượng cao cho các cơ sở giáo dục ĐH đang thiếu hụt lớn. Theo Đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020” đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, Việt Nam sẽ bổ sung thêm 20.000 tiến sĩ cho các trường ĐH. Trong khi trên thực tế đến nay, số lượng tiến sĩ được đào tạo chưa đạt một nửa chỉ tiêu đề ra.

Lo lắng trước thực trạng này, song nhiều chuyên gia cũng lên tiếng cảnh báo về tình trạng chạy theo số lượng, xem nhẹ chất lượng đào tạo trong thời gian qua. Theo PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - tình trạng đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ tràn lan, không theo quy định là có, minh chứng rõ nhất là các trường hợp được phát hiện qua thanh tra vừa qua. Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, đã đến lúc cần loại bỏ những tiến sĩ “giấy”, thông qua việc sàng lọc, thanh tra các cơ sở đào tạo hằng năm. Đặc biệt là kiểm tra số lượng giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ, chức danh giáo sư, phó giáo sư để giao chỉ tiêu tuyển sinh…

Để khắc phục những bất cập trong công tác đào tạo tiến sĩ hiện nay, Bộ GD&ĐT vừa ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ. Theo đó, quy chế mới sẽ nâng cao chất lượng đào tạo. Cụ thể như việc quy định người dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ phải đáp ứng các điều kiện có bằng tốt nghiệp ĐH loại giỏi trở lên hoặc bằng thạc sĩ; tiêu chuẩn về ngoại ngữ. Các tiêu chuẩn, điều kiện đối với người hướng dẫn NCS cũng được nâng cao so với quy định hiện hành. Bên cạnh “siết” các điều kiện đầu vào, quá trình đào tạo tiến sĩ cũng được quy định chặt chẽ theo hướng nâng cao chất lượng…

Cùng với việc sửa đổi các quy định pháp luật liên quan nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ GD&ĐT cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục có vi phạm trong công tác đào tạo tiến sĩ nói riêng, đào tạo sau ĐH nói chung hiện nay, qua đó góp phần nâng cao trách nhiệm của mỗi cơ sở trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo… Chỉ có như vậy, kỳ vọng về nguồn nhân lực trình độ tiến sĩ, thạc sĩ chất lượng cao mới trở thành hiện thực.


NGUYỄN LỘC
Theo Tuần Báo số ra ngày 31-8-2017