Thư quản lý - giá trị gia tăng cho quá trình kiểm toán báo cáo tài chính
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 18:35, 16/07/2021
(BKTO) - Để trụ vững trong thị trường cùng với các yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và sự minh bạch thông tin, các công ty kiểm toán ngày càng phải chú ý tới những giá trị gia tăng cho khách hàng trong khi vẫn đảm bảo kết quả kiểm toán khách quan, tin cậy. Thư quản lý chính là một trong những giá trị gia tăng cần có cho quá trình kiểm toán.
Ảnh minh họa - Nguồn: tapchitaichinh.vn |
Cung cấp thông tin chi tiết và khuyến nghị kịp thời cho ban lãnh đạo
Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 260 (ISA260) đề cập đến việc báo cáo các vấn đề được xác định trong quá trình đánh giá của kiểm toán viên (KTV) bao gồm cả thư quản lý. Các quy định cốt lõi về thư quản lý yêu cầu KTV phải thông báo các vấn đề phát sinh từ cuộc kiểm toán với ban quản trị bao gồm: Trao đổi rõ ràng với ban quản trị về trách nhiệm của KTV liên quan đến cuộc kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) và tổng quan về phạm vi và thời gian đã lập kế hoạch của cuộc kiểm toán; thu thập từ những người chịu trách nhiệm về thông tin quản trị liên quan đến cuộc kiểm toán.
Cùng với đó, thư quản lý cung cấp cho ban quản trị những quan sát kịp thời phát sinh từ cuộc kiểm toán có ý nghĩa quan trọng và liên quan đến trách nhiệm của họ trong việc giám sát quá trình lập BCTC. Đồng thời, thư quản lý cũng thúc đẩy trao đổi thông tin hai chiều hiệu quả giữa KTV và những người chịu trách nhiệm quản trị.
Như vậy, thư quản lý được hình thành phù hợp với hoàn cảnh của khách hàng nên nó cung cấp thông tin chi tiết hữu ích và các khuyến nghị để cải thiện việc quản trị, trách nhiệm giải trình, quản lý rủi ro và sắp xếp kiểm soát cho nhà lãnh đạo của đơn vị được kiểm toán.
Theo ISA 260, những nội dung cần được đề cập trong thư quản lý bao gồm: Các chính sách kế toán và thay đổi của chính sách có thể ảnh hưởng trọng yếu đến BCTC; các điều chỉnh được kiểm toán phát hiện có thể ảnh hưởng trọng yếu đến BCTC; các sự kiện trọng yếu hoặc các yếu tố không chắc chắn có thể gây nguy hiểm cho trạng thái hoạt động liên tục và yêu cầu công bố thông tin trong BCTC; bất đồng với ban giám đốc về các biện pháp xử lý hoặc thuyết minh kế toán;
Các sửa đổi dự kiến đối với ý kiến kiểm toán; những điểm yếu trọng yếu được phát hiện trong hệ thống và kiểm soát nội bộ; mối đe dọa đối với tính độc lập và khách quan và các biện pháp bảo vệ được áp dụng; giải thích về cách tiếp cận kiểm toán được sử dụng; những rủi ro được xác định; đề xuất để cải thiện hệ thống kiểm soát nội bộ của khách hàng.
Ngoài các nội dung theo yêu cầu của các chuẩn mực kiểm toán, thư quản lý cũng đề cập đến phương pháp tiếp cận của KTV đối với cuộc đánh giá; các lĩnh vực được kiểm toán; phát hiện, khuyến nghị kiểm toán; phản hồi của đơn vị được kiểm toán đối với các đề xuất bao gồm cả thang đo thời gian; tình trạng của khuyến nghị kiểm toán từ năm trước.
Tại Việt Nam, Chuẩn mực Kiểm toán số 260 (Trao đổi các vấn đề với ban quản trị đơn vị được kiểm toán) và Chuẩn mực Kiểm toán số 265 (Trao đổi về những khiếm khuyết trong kiểm soát nội bộ với ban quản trị và ban giám đốc đơn vị được kiểm toán) cũng đưa ra các hướng dẫn chi tiết để KTV trao đổi với ban quản trị, ban giám đốc của đơn vị được kiểm toán về các khiếm khuyến kiểm soát nội bộ. Nội dung các chuẩn mực này tương đồng với ISA 260.
Bên cạnh đó, một số Thông tư về kiểm toán BCTC cũng đề cập tới yêu cầu phát hành thư quản lý, cụ thể như: Tại Đoạn 49, Thông tư số 67/2015/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 08/5/2015 về kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành yêu cầu KTV phải trao đổi bằng văn bản một cách kịp thời (ví dụ dưới hình thức thư đề nghị, thư quản lý) với chủ đầu tư về những khiếm khuyết nghiêm trọng trong kiểm soát nội bộ được phát hiện trong quá trình kiểm toán. Các đoạn từ 50 đến 65 cũng quy định một số nội dung chủ yếu về lập báo cáo kiểm toán và thư quản lý.
Khoản 2 và khoản 3, Điều 10 Thông tư số 39/2011/TT-NHNN cũng đề cập đến việc sản phẩm của kiểm toán bao gồm thư quản lý với các nội dụng: Phương pháp tiếp cận chung, phạm vi của cuộc kiểm toán và các yêu cầu cần bổ sung; đánh giá những thay đổi về chính sách và thông lệ quan trọng ảnh hưởng đến BCTC, hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; rủi ro có thể ảnh hưởng trọng yếu đến các BCTC, hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài...
Gia tăng giá trị cho thư quản lý trong kiểm toán báo cáo tài chính
Hiện nay, thư quản lý đã được một số công ty kiểm toán quan tâm và gửi cùng báo cáo kiểm toán cho đơn vị khách hàng. Tuy nhiên, cách thức và các vấn đề cơ bản của thư quản lý của các công ty kiểm toán có sự khác nhau. Về tổng thể, thư quản lý trong kiểm toán BCTC chưa được các công ty kiểm toán chú trọng.
Nhằm nâng cao chất lượng cuộc kiểm toán cũng như gia tăng giá trị cho thư quản lý trong kiểm toán BCTC, thư quản lý cần đảm bảo các nội dung sau:
Quan sát: mô tả ngắn gọn về các phát hiện kiểm toán về các thiếu sót trong kiểm soát nội bộ được ghi nhận trong cuộc kiểm toán để xác định xem liệu thiếu sót hoặc tổng hợp các thiếu sót có đủ nghiêm trọng để được coi là yếu kém hoặc thiếu sót đáng kể hay không. Khi đánh giá sự thiếu sót, KTV xem xét mức độ của các sai sót tiềm ẩn trong BCTC cũng như khả năng các kiểm soát nội bộ không ngăn chặn hoặc phát hiện và sửa chữa các sai sót.
Rủi ro/tác động: giải thích về rủi ro cụ thể phát sinh và tác động tiềm ẩn, cũng như xếp hạng mức độ rủi ro (cao, thấp, trung bình). Cụ thể, rủi ro cao là các vấn đề có nguy cơ ảnh hưởng tài chính đáng kể đến hoạt động kinh doanh phải được giải quyết ngay lập tức. Rủi ro trung bình là các vấn đề có rủi ro tác động tài chính vừa phải đối với hoạt động kinh doanh. Rủi ro thấp là các vấn đề liên quan đến những khiếm khuyết nhỏ trong kiểm soát hoặc những cải tiến trong hiệu quả kiểm soát.
Khuyến nghị: mô tả hành động khắc phục hậu quả và phải khả thi trong bối cảnh cụ thể, đồng thời KTV phải nêu rõ những lợi ích của việc thực hiện khuyến nghị.
Phản hồi của quản lý: được thống nhất với quản lý.
Hành động: kế hoạch thực hiện các khuyến nghị đã thống nhất, nêu tên thành viên, nhân viên chịu trách nhiệm thực hiện từng đề xuất đó và ngày mục tiêu.
Thư quản lý nên được xem như một đầu ra báo cáo quan trọng của KTV độc lập từ những đánh giá bên ngoài. Nó phải cung cấp cho ban lãnh đạo và hội đồng quản trị những khuyến nghị về quản trị, trách nhiệm giải trình, quản lý rủi ro, kiểm soát và các vấn đề kế toán. Nếu được sử dụng đúng cách, thư quản lý có thể là một công cụ hữu ích giúp các nhà lãnh đạo của đơn vị được kiểm toán hoàn thành trách nhiệm của mình và cung cấp những lợi ích hữu hình từ quá trình đánh giá bên ngoài./.
THS. TRẦN PHƯƠNG THÙY -Khoa Kế toán, Kiểm toán - Học viện Ngân hàng
Tài liệu tham khảo
1. Louise M. King (2018), Understanding the management letter.
2.https://www.gov.uk/government/publications/academy-trust-financial-management-good-practice-guides/academy-trust-management-letters
3. https://www.uhy-uk.com/insights/importance-audit-management-letters
4. https://www/home/kpmg