Việt Nam lần đầu lọt Top 20 nước và vùng lãnh thổ thu hút FDI nhiều nhất thế giới

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 18:35, 16/07/2021

(BKTO) - Báo cáo Đầu tư 2021 của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) vừa mới công bố cho thấy, với số vốn FDI đạt 16 tỷ USD năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam lọt Top 20 nước và vùng lãnh thổ thu hút FDI nhiều nhất thế giới.


                
   

Năm 2020, Việt Namlần đầu lọt top 20 nước thu hút FDI nhiều nhất thế giới - Ảnh minh họa: TTXVN

   

Theo Báo cáo của UNCTAD, dòng vốn FDI toàn cầu năm 2020 đã giảm 35% từ mức 1.500 nghìn tỷ USD năm 2019 xuống còn 1.000 tỷ USD.

Trong đó, tác động của đại dịch đối với dòng vốn FDI toàn cầu tập trung vào nửa đầu năm 2020, với việc tất cả các thành phần cấu thành của FDI đều giảm như số lượng dự án mới, hoạt động mua bán và sáp nhập xuyên biên giới (M&A).

Xét theo các nền kinh tế, sự sụt giảm vốn FDI nghiêm trọng hơn ở các nền kinh tế phát triển. Tại các nền kinh tế này, vốn FDI đã giảm tới 58%.

FDI vào các nền kinh tế đang phát triển giảm ít hơn, ở mức 8%. Theo đó, năm 2020, các nền kinh tế đang phát triển chiếm 2/3 tổng vốn FDI toàn cầu, tăng so với mức gần 1/2 trong năm 2019.

Xét về mặt địa lý, FDI giảm trên hầu khắp thế giới, ngoại trừ châu Á. Trong đó, dòng vốn FDI giảm 45% ở khu vực Mỹ Latinh và Caribbean; giảm 16% ở châu Phi. Ngược lại, dòng vốn FDI đổ về châu Á tăng 4%, giúp châu Á chiếm một nửa tổng vốn FDI toàn cầu vào năm 2020.

Theo Báo cáo của UNCTAD, năm 2020, Mỹ vẫn là nền kinh tế tiếp nhận FDI lớn nhất thế giới, đứng thứ hai là Trung Quốc. Tiếp theo là Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Ấn Độ, Luxembourg, Đức, Ireland, Mexico, Thụy Điển, Brazil, Israel...

Năm 2020, Việt Nam thu hút FDI đạt 16 tỷ USD, đưa Việt Nam lần đầu tiên nằm trong Top 20 nước và vùng lãnh thổ thu hút FDI nhiều nhất thế giới. Việt Nam hiện ở vị trí thứ 19, tăng 5 bậc so với năm 2019 bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Việt Nam cũng được đánh giá còn nhiều dư địa để cạnh tranh nguồn vốn FDI trong xu hướng chuyển dịch sản xuất toàn cầu hiện nay với các đối thủ lớn khác, điển hình như Trung Quốc./.
DIỆU THIỆN