Phấn đấu tăng thu ngân sách tối thiểu 3 - 5% so với dự toán
Đối nội - Ngày đăng : 01:15, 17/07/2021
(BKTO) - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu trên tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành tài chính, sáng 16/7.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Để hoàn thành nhiệm vụ nói trên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị ngành tài chính tập trung thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Một là, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tài khoá, kể cả giải pháp về thuế, phí, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, kịp thời tham mưu, tăng cường phân tích, dự báo; rà soát kỹ, cập nhật các kịch bản tăng trưởng và các giải pháp chỉ đạo, điều hành; kịp thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Tập trung rà soát, tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan; đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động đầu tư; hoàn thiện khung khổ pháp lý cho phát triển kinh tế số, mô hình kinh doanh mới, ứng dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử; mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng số hóa trong cung cấp dịch vụ công, xử lý hồ sơ nghiệp vụ, thủ tục hành chính trên môi trường mạng…
Hai là, chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tăng cường quản lý thu, nắm chắc nguồn thu; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp về thuế, phí hỗ trợ DN, cá nhân kinh doanh; quản lý thu phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu.
Lãnh đạo các cấp ở địa phương phải vào cuộc, chỉ đạo sát sao thực hiện các giải pháp về tài chính ngân sách đã được phê duyệt; phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan, tăng cường quản lý thu; chống thất thu, chống chuyển giá; quản lý chặt chẽ hoàn thuế, xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; dự báo và đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trên địa bàn để có giải pháp chỉ đạo, điều hành thu phù hợp; phấn đấu tăng thu tối thiểu 3-5% so với dự toán Quốc hội giao.
Ba là, điều hành chi NSNN trong phạm vi dự toán được giao. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm đi đôi với tăng cường phối hợp, giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; linh hoạt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng để đẩy mạnh việc giải ngân, thực hiện dự án đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình…
Bốn là, tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường nhất là các mặt hàng quan trọng thiết yếu, nguyên phụ liệu đầu vào đã tăng giá mạnh trong các tháng đầu năm để kịp thời đề xuất các giải pháp cân đối cung - cầu, bình ổn giá cả thị trường; tăng cường kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giá để kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm.
Tăng cường quản lý, giám sát chứng khoán, có giải pháp dự báo và kiểm soát tốt dòng tiền nóng, đảm bảo phát triển ổn định thị trường, khắc phục tình trạng nghẽn lệnh do lỗi kỹ thuật. Kiên quyết chống thao túng giá trong hoạt động chứng khoán và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Năm là, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong thu, chi NSNN, quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên...; thực hiện kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán; chuyển đổi cơ chế kiểm tra, giám sát từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với trách nhiệm giải trình và minh bạch hóa các chế tài; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời vi phạm.
Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế tài chính, đơn vị sự nghiệp công, giá dịch vụ; tạo cơ sở để thực hiện mục tiêu về cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội; đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN, cổ phần hoá thoái vốn theo tiến độ, đảm bảo dự toán thu cho cả giai đoạn 2021-2025.
Bảy là, chú trọng công tác xây dựng dự toán NSNN năm 2022 trên cơ sở các chỉ tiêu, số liệu kinh tế xã hội, nguyên tắc điều chỉnh phân bổ dự toán ngân sách thường xuyên, tỷ lệ điều tiết, bổ sung cân đối ngân sách phù hợp cho các địa phương, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương. Tăng cường phối hợp với các Bộ, cơ quan, nhất là Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nâng cao hiệu quả chính sách tài khoá - tiền tệ, thực hiện phân bổ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả cho các dự án có nhu cầu vốn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo mục tiêu đề ra./.
THÙY ANH