Thu ngân sách nhà nước qua góc nhìn kiểm toán

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:45, 05/09/2017

(BKTO) - Qua kiểm toán quyết toán thu NSNN năm 2015, KTNN đánh giá, các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã có nhiều giải pháp quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành ngân sách nên kết quả thu NSNN năm 2015 cơ bản đáp ứng được các mục tiêu, nhiệm vụ Quốc hội đề ra, song công tác quản lý và thu thuế vẫn còn không ít bất cập.


KTNN xác nhận, quyết toán thu NSNN năm 2015 là 998.217 tỷ đồng, vượt 9,6% (87.117 tỷ đồng) dự toán, chủ yếu tăng thu sử dụng đất 29.994 tỷ đồng, thu từ cổ tức được chia và lợi nhuận còn lại của các DNNN 25.113 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa từ sản xuất, kinh doanh đạt 663.653 tỷ đồng, vượt 12,1% dự toán; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu 169.303 tỷ đồng, bằng 96,7% dự toán. Tuy nhiên, qua kiểm toán, KTNN đã chỉ ra nhiều bất cập, ảnh hưởng đến kết quả thu NSNN, nhất là trong quản lý Thuế Giá trị gia tăng (GTGT), quản lý nợ thuế...

Bất cập trong quản lýthuế GTGT, quản lý nợ thuế

Cụ thể, năm 2015, Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính đánh giá ước thực hiện dự toán hoàn Thuế GTGT năm 2014 (78.200 tỷ đồng) làm cơ sở xây dựng và giao dự toán hoàn Thuế GTGT năm 2015 (85.000 tỷ đồng) chưa sát với tình hình thực hiện năm 2014 (số phải hoàn là 88.152 tỷ đồng) và chưa tính đến số phải hoàn cho các quyết định năm 2014 chưa được giao dự toán để hoàn dẫn đến Tổng cục Thuế phải trình Bộ Tài chính cho ứng trước dự toán hoàn thuế năm 2016 để chi hoàn Thuế GTGT năm 2015 là 8.800 tỷ đồng, đồng thời phải chuyển sang năm 2016 để hoàn thuế đối với các quyết định hoàn thuế năm 2015 do thiếu nguồn 5.847 tỷ đồng. Ngoài ra, việc ứng trước dự toán trên chưa được Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Chính phủ báo cáo quyết toán chi hoàn Thuế GTGT năm 2015 theo số thực hoàn là 92.452 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu Thuế GTGT, Thuế TNDN và lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN… vẫn diễn ra khá phổ biến tại các DN, đơn vị được kiểm toán. Kết quả kiểm toán cho biết, số phải nộp NSNN tăng thêm 11.364 tỷ đồng. Đặc biệt, qua đối chiếu 1.653 người nộp thuế, KTNN kiến nghị các khoản phải nộp NSNN tăng thêm 2.050 tỷ đồng, trong đó có DN qua đối chiếu thuế phải nộp NSNN tăng thêm 882 tỷ đồng...

Về công tác quản lý nợ thuế, theo số liệu xác nhận của KTNN, tổng số nợ thuế do ngành Thuế quản lý tính đến 31/12/2015 là 79.276 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, nợ có khả năng thu giảm 2%; 31 địa phương có mức dư nợ có khả năng thu giảm, một số địa phương có mức dư nợ có khả năng thu tăng cao; nợ khó thu tăng 42% (5.742 tỷ đồng), 56 địa phương có mức dư nợ khó thu tăng; nợ chờ xử lý giảm 33,8% (1.490 tỷ đồng), 40 địa phương có dư nợ chờ xử lý giảm, 23 địa phương có dư nợ chờ xử lý tăng.

Mặc dù tỷ trọng nợ thuế năm 2015 so với thu nội địa (trừ dầu thô) có giảm nhưng vẫn tiếp tục tăng về quy mô qua các năm. KTNN cho rằng, bên cạnh nguyên nhân khách quan là do tình hình sản xuất, kinh doanh của DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn; một số DN chây ỳ, không nộp thuế đúng hạn, để nợ thuế kéo dài, một số trường hợp kinh doanh thua lỗ đã tự giải thể, phá sản, bỏ đi khỏi địa chỉ sản xuất, kinh doanh…, còn có nguyên nhân chủ quan là do nhiều Cục/Chi cục Thuế thực hiện không triệt để các biện pháp cưỡng chế theo quy định. Ngoài ra, công tác phân loại nợ thuế thiếu cơ sở, căn cứ và bằng chứng; 23/46 Cục thuế địa phương tổng hợp chưa đầy đủ số liệu nợ đọng thuế 1.618 tỷ đồng.

Đối với nợ thuế do ngành Hải quan quản lý, KTNN xác nhận nợ thuế quá hạn đến 31/12/2015 là 6.529,9 tỷ đồng, giảm 8,18% so với cùng kỳ năm 2014. Cụ thể, nợ quá hạn về thuế chuyên thu giảm 9,5%, trong đó 23/34 Cục Hải quan có số nợ thuế chuyên thu giảm; 11/34 Cục Hải quan có số nợ đọng thuế chuyên thu tăng; nợ quá hạn về thuế tạm thu giảm 5,1%.

Nhiều hạn chế khác tác động đến tăng thu NSNN

Cùng với những bất cập lớn nêu trên, theo KTNN, còn có tình trạng một số đơn vị trực thuộc các Bộ, cơ quan Trung ương được kiểm toán chưa kịp thời nộp vào Kho bạc Nhà nước các khoản phí, lệ phí thu được theo quy định. Tình trạng thu phí, lệ phí vượt quy định hoặc thu thêm các khoản thu không có trong quy định vẫn tái diễn mặc dù KTNN đã kiến nghị nhiều năm về vấn đề này. Tỷ lệ phần trăm được để lại đơn vị trên tổng số thu phí và một số khoản thu khác chưa phù hợp với nhu cầu chi thực tế trong lĩnh vực chứng khoán, hàng hải, hàng không và khoáng sản dẫn đến kinh phí tồn cuối năm lớn.

Trong công tác quản lý thu, chống thất thu thuế, KTNN chỉ rõ một số Cục Thuế, Chi cục Thuế chưa quản lý hết các DN, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh nhưng chưa đăng ký thuế, lập thiếu bộ Thuế Môn bài, chưa xử phạt hoặc xử phạt chưa đầy đủ các trường hợp chậm nộp hồ sơ khai thuế; chưa yêu cầu người nộp thuế kê khai đầy đủ các chỉ tiêu…

Một vấn đề đáng lưu ý nữa là một số Cục Thuế không hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế đã được giao. Qua chọn mẫu kiểm tra hồ sơ thanh tra, kiểm tra thuế cho thấy còn hạn chế trong hoạt động thanh tra, kiểm tra từ hồ sơ, mẫu biểu, nội dung, phạm vi đến kết quả xử lý sai phạm. Đặc biệt, còn có cơ quan thuế xử lý kết quả thanh, kiểm tra không phù hợp quy định của pháp luật hoặc truy thu thiếu thuế, tính thiếu tiền chậm nộp; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế qua kết quả thanh, kiểm tra chưa đầy đủ.

Bên cạnh đó, trong công tác quản lý thu tiền thuê mặt đất, mặt nước còn hạn chế, sai sót, như: cho thuê đất đã hết thời kỳ ổn định giá thuê đất nhưng chưa điều chỉnh lại đơn giá thu tiền thuê đất; xác định đơn giá tiền thuê đất chưa đúng quy định; xác định miễn giảm tiền thuê đất đối với DN không đúng quy định, có khả năng gây thất thu NSNN gần 92 tỷ đồng; xác định thời điểm miễn tiền thuê đất không đúng quy định; một số đơn vị sử dụng đất vào mục đích kinh doanh nhưng chưa được cấp có thẩm quyền cho thuê đất hoặc chưa ký hợp đồng thuê đất.

HỒNG THOAN
Theo Tuần Báo ra ngày 31-8-2017