Thu hút đầu tư phát triển điện năng lượng mặt trời

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 10:35, 05/09/2017

(BKTO) - Với ưu thế về giá cũng như thân thiện với môi trường, phát triển điện năng lượng mặt trời đang trở thành xu thế chung của thế giới. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia rất giàu tiềm năng phát triển điện năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, hiện nay, việc khai thác nguồn năng lượng này ở nước ta vẫn còn khá khiêm tốn.


Giàu tiềm nhưng khai thácchưa đáng kể

Trong bối cảnh những nguồn năng lượng truyền thống đang dần cạn kiệt, các quốc gia trên thế giới đang chạy đua phát triển các nguồn năng lượng mới để đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng không ngừng gia tăng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, điện năng lượng mặt trời đang là nguồn năng lượng phát triển nhanh nhất. Điều này thể hiện qua thống kê, năm 2006, tổng công suất điện năng lượng mặt trời trên toàn thế giới chỉ ở mức 6 GW, nhưng sau 10 năm (2016) con số này đã lên tới 303 GW.

Trong cuộc chạy đua phát triển nguồn năng lượng mới này, Việt Nam được đánh giá có nhiều lợi thế hơn so với các quốc gia trên thế giới. Theo Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, nước ta là một trong những quốc gia có ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong biểu đồ bức xạ mặt trời thế giới. Tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, số giờ nắng đạt từ 2.000 - 2.600 giờ/năm. Bức xạ mặt trời trung bình 150 kcal/m2, chiếm khoảng 2.000 - 5.000 giờ/năm.

Cùng với đó, nhu cầu năng lượng của Việt Nam đang tăng rất nhanh. Theo số liệu của Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu thụ điện năng của Việt Nam tăng trung bình khoảng 13%/năm trong giai đoạn 2006-2010 và khoảng 11%/năm trong giai đoạn từ 2011-2016.

Tuy tiềm năng và nhu cầu rất lớn nhưng việc khai thác nguồn năng lượng này ở nước ta lại chưa đáng kể. Hầu hết các dự án năng lượng mặt trời chỉ ở quy mô nhỏ. Đơn cử, dự án điện mặt trời được nối lưới đầu tiên là Nhà máy quang năng An Hội (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Dự án được triển khai và hoàn thành năm 2014, đấu nối vào lưới điện của Điện lực Côn Đảo nhưng công suất chỉ đạt 36 kWp, điện lượng hơn 50 mWh. Chỉ có một dự án điện mặt trời tại Quảng Ngãi nối lưới là dự án có quy mô tương đối lớn song cũng mới đang ở giai đoạn hoàn thiện.

Để bảo đảm an ninh năng lượng, Việt Nam đang phải chuyển đổi từ một nước xuất khẩu năng lượng thành một nước nhập khẩu năng lượng. Điều này đang trở thành một thách thức rất lớn cho Việt Nam trong thời gian tới.

Tạo cơ chế thu hút đầu tư

Thời gian qua, Việt Nam cũng đã có nhiều cố gắng trong việc phát triển năng lượng mặt trời thông qua các chính sách hỗ trợ. Theo Quyết định 11/QĐ-TTg ngày 11/4/2017, điện từ các dự án điện mặt trời sẽ được mua với mức giá 2.086 đồng/kWh, cao hơn so với mức trung bình hiện nay là 1.280 đồng/kWh. DN sản xuất điện mặt trời cũng sẽ được ưu đãi Thuế Nhập khẩu thiết bị, Thuế Thu nhập DN.

Tuy nhiên, thị trường điện năng lượng mặt trời vẫn còn rất nhiều thách thức. Ông Nguyễn Hoàng Nam - Viện Chiến lược và Chính sách về Tài nguyên và Môi trường - chia sẻ: Mặc dù hành lang pháp lý đã rất rõ ràng nhưng thời gian cấp phép lại khá dài. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư ban đầu và thời gian hoàn vốn khá lớn, đặc biệt khi năng lượng điện mặt trời phải cạnh tranh với giá điện lưới quốc gia.

Mặt khác, chi phí vốn là thành phần lớn nhất trong sản xuất năng lượng tái tạo. Chỉ tính điện gió và điện mặt trời, nhu cầu vốn đã lên tới 23 tỷ USD. Nhưng hiện tại, các nhà đầu tư trong lĩnh vực này vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn có lãi suất ưu đãi. Bởi vậy, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn ưu đãi là yêu cầu cần thiết để thực hiện thành công các dự án điện năng lượng mặt trời.

Đặc biệt, mấu chốt của việc đảm bảo phát triển bền vững và thu hút đầu tư vào phát triển điện năng lượng mặt trời là phải xây dựng được khung giá điện ổn định và hợp lý. Ông Đỗ Đức Tưởng - Cố vấn Năng lượng sạch chương trình năng lượng của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam - cho rằng: Quyết định 11/QĐ-TTg quy định về giá điện mặt trời mới chỉ áp dụng giá 9,35 Uscent/kwh (theo tỷ giá 22.316 đồng/USD) trong thời hạn 3 năm. Vậy sau 3 năm, giá điện mặt trời sẽ như thế nào? Nhà đầu tư mong muốn có một chính sách giá điện mặt trời dài hơi và ổn định hơn để có thể khuyến khích nhiều DN tham gia vào lĩnh vực này hơn nữa.

Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, để thu hút được sự đầu tư, Chính phủ cần sớm ban hành cơ chế giá điện năng lượng mặt trời và cơ chế hòa lưới điện quốc gia; ban hành bộ tiêu chuẩn cho các thiết bị liên quan đến điện mặt trời đầy đủ hơn, như tiêu chuẩn tấm pin, invester chuyển điện, giàn khung đỡ… để hạn chế lưu thông sản phẩm kém chất lượng, định hướng đúng cho người dân về hiệu quả sử dụng năng lượng mặt trời…

HOÀNG LONG
Theo Tuần Báo số ra ngày 31-8-2017