Giúp dân giám sát việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 10:15, 05/09/2017

(BKTO) - Công khai Báo cáo NSNN dành cho công dân hằng năm được coi là một trong những hình thức quan trọng, góp phần thúc đẩy công khai, minh bạch ngân sách ở Việt Nam. Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, cơ quan tài chính cấp Trung ương và địa phương nên chủ động xây dựng và công bố Báo cáo này nhằm cung cấp những thông tin hữu ích về thu, chi ngân sách cho người dân, tạo điều kiện cho họ tham gia giám sát việc quản lý, sử dụng ngân sách.


Báo cáo NSNN dành chocông dân đã có cải tiến

Theo Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), Báo cáo NSNN dành cho công dân được đơn vị quản lý ngân sách Trung ương và địa phương xây dựng dựa trên nhu cầu của người dân, bao gồm các thông tin cơ bản về NSNN, thể hiện bằng ngôn ngữ chính thức của quốc gia, được công bố, phổ biến rộng rãi dưới nhiều hình thức. Báo cáo này đóng vai trò quan trong việc cung cấp kiến thức cần thiết về ngân sách cho người dân, giúp tăng cường trao đổi giữa người dân và Chính phủ, đồng thời phát huy vai trò giám sát của người dân, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách.

Từ năm 2015, Bộ Tài chính đã xây dựng và công khai Báo cáo NSNN dành cho công dân trên website của Bộ. Theo bà Trần Thị Kim Hiền - đại diện Vụ NSNN (Bộ Tài chính) - nội dung của Báo cáo gồm: mục tiêu, nhiệm vụ ngân sách, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, dự toán thu, chi ngân sách, các giải pháp thực hiện, quản lý chi ngân sách, bội chi ngân sách và dư nợ công.

Điểm đáng lưu ý là Báo cáo NSNN dành cho công dân sẽ có những điểm nhấn phù hợp với bối cảnh của từng năm, đảm bảo cho người dân nắm được quan điểm chỉ đạo của Chính phủ tại thời điểm nhất định. Nếu năm 2015, Báo cáo NSNN dành cho công dân còn khá đơn giản khi mới chỉ nêu lên mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, dự toán và giải pháp về thu ngân sách, cơ chế quản lý chi thì năm 2016, Báo cáo đã có sự cải tiến.

Theo đó, ngoài việc nêu thông tin về thu, chi ngân sách, Báo cáo còn đánh giá các chỉ tiêu về kinh tế, ngân sách trong cả một giai đoạn, so sánh giữa các giai đoạn để tìm ra những đặc điểm riêng của từng thời kỳ, đồng thời chỉ ra những thay đổi, cải tiến về chính sách thu, chi ở giai đoạn mới. Đến năm 2017, Báo cáo này được đầu tư nhiều hơn trên cơ sở đi sâu vào phản ánh những định hướng, mục tiêu thu, chi ngân sách và đưa ra đánh giá về cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan.

Cùng với việc được cải tiến theo từng năm, dưới lăng kính của Chuyên gia tư vấn Trịnh Tiến Dũng, Báo cáo NSNN dành cho công dân ở Việt Nam khá tương đồng về nội dung và hình thức với Báo cáo của nhiều nước đang phát triển. Báo cáo khá ngắn gọn, dễ hiểu, cung cấp các thông tin, số liệu cơ bản nhất về hiện trạng, triển vọng phát triển kinh tế trong nước và trên thế giới; mục tiêu, nhiệm vụ ngân sách và các giải pháp đảm bảo thu; quy mô cơ cấu thu, chi…

Cần đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân

Tuy nhiên, theo TS. Trịnh Tiến Dũng, thời điểm công khai Báo cáo NSNN dành cho công dân còn muộn; tính thiết thực của thông tin được công khai còn hạn chế; việc công bố thông tin chưa dựa vào nhu cầu của người dùng; tính chính xác của số liệu vẫn là một thách thức. Đặc biệt, công khai NSNN nhưng chưa gắn với cơ chế giải trình trách nhiệm và cơ chế giám sát ngân sách của cơ quan dân cử các cấp, chưa gắn với đấu tranh chống tham nhũng…

Từ đó, ông Dũng kiến nghị, cơ quan quản lý tài chính các cấp cần đổi mới căn bản tư duy xây dựng Báo cáo NSNN dành cho công dân. Báo cáo này phải dựa trên nhu cầu của các nhóm đối tượng được khảo sát một cách khoa học, nội dung Báo cáo cần được thay đổi theo từng năm. Mỗi năm, Báo cáo có thể đi sâu vào vài ba chủ đề “nóng” được người dân quan tâm nhiều nhất. Chẳng hạn, năm nay, Báo cáo có thể thông tin sâu về các yếu tố liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày của người dân như các sắc thuế, phí, giá nước, điện, xăng dầu, phí đường bộ; nhưng năm khác, Báo cáo có thể tập trung phản ánh chi NSNN cho một số lĩnh vực thiết yếu như giáo dục, y tế…

Hơn nữa, nhiều chuyên gia cho rằng, Báo cáo NSNN dành cho công dân cần được thể hiện đơn giản, dễ hiểu, đầy đủ; sử dụng ngôn ngữ của công chúng và các bảng, biểu đồ, sơ đồ một cách hiệu quả; đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng.

Đặc biệt, để đáp ứng được nhu cầu của người dân, các nhóm xã hội khác nhau thì “Báo cáo càng cụ thể càng tốt” - đại diện Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khuyến nghị. Theo đó, Báo cáo phải nêu được tình hình kinh tế đất nước với các con số chi tiết về: tăng trưởng, lạm phát, tổng thu, bội chi, nợ công. Cụ thể hơn, Báo cáo còn có thể nêu cụ thể vấn đề thu, chi của từng địa phương, từng cấp hoặc thực trạng trợ cấp cho các đối tượng như người già, trẻ em mồ côi, người khuyết tật…

Cùng quan điểm trên, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII Nguyễn Thị An kỳ vọng, việc công khai Báo cáo NSNN dành cho công dân cần đi vào cụ thể và phải gắn liền với sự minh bạch, nhất là minh bạch trong cơ cấu chi. Ví dụ, chi cho giáo dục hay y tế được phân bổ ra sao? Trong cơ cấu chi cho giáo dục, chi cho các trường học như thế nào? Báo cáo phải làm sao đưa ra những số liệu chuẩn xác, thể hiện rõ tính minh bạch và phải thực sự chuyển tải được đến người dân. Đây là một biện pháp giúp người dân và cộng đồng nắm bắt thông tin để tham gia giám sát việc quản lý, sử dụng NSNN.

NGỌC MAI
Theo Tuần Báo ra ngày 31-8-2017