Công tác thanh tra, giám sát ngân hàng: Lượng chưa gắn liền với chất

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 09:05, 11/09/2017

(BKTO) - Kết luận về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong công tác thanh tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) do Thanh tra Chính phủ công bố mới đây và ngay sau đó là việc NHNN thẳng thắn thừa nhận những khuyết điểm cho thấy, công tác thanh, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng (TCTD) còn nhiều bất cập.


Chất không tương xứngvới lượng

Trong các báo cáo tổng kết năm, NHNN luôn nhấn mạnh đến công tác thanh tra, giám sát và coi đây là một nhiệm vụ thiết thực, góp phần vào kết quả của hoạt động ngân hàng thời gian qua.

Hơn nữa, nhìn vào những số liệu mà NHNN đã cung cấp cho cơ quan KTNN, có thể thấy, NHNN đã triển khai khá nhiều các cuộc thanh, kiểm tra, giám sát ngân hàng, nhất là trong thời điểm thực hiện Đề án “cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015” theo Quyết định 254/2012/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 254). Đơn cử, nhằm phân loại, đánh giá đúng thực trạng tài chính, hoạt động quản trị của các TCTD, năm 2012, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) đã tiến hành thanh, kiểm tra 30 cuộc (28 cuộc theo kế hoạch, 2 cuộc đột xuất); thanh tra, giám sát ngân hàng chi nhánh tỉnh, thành phố đã triển khai 711 cuộc thanh tra (674 cuộc theo kế hoạch, 37 cuộc đột xuất) và 418 cuộc kiểm tra (238 cuộc theo kế hoạch, 180 cuộc đột xuất). Hay năm 2013, NHNN đã tổ chức thanh, kiểm tra 1.037 cuộc (933 cuộc theo kế hoạch, 247 cuộc đột xuất).

Mặc dù số lượng các cuộc thanh, kiểm tra, giám sát ngân hàng lên tới hàng nghìn cuộc/năm nhưng kết luận của Thanh tra Chính phủ mới đây cho thấy, chất lượng của công tác này vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, NHNN chưa tổng hợp và phân tích sâu sắc các báo cáo của TCTD để đánh giá chính xác về: cơ cấu tài sản nợ và tài sản có; chất lượng tài sản có; vốn tự có; tình hình thu nhập, chi phí và kết quả kinh doanh; việc thực hiện quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động TCTD và các quy định pháp luật khác. Chất lượng công tác giám sát từ xa chưa cao; cán bộ thanh tra, giám sát chưa đánh giá nguy cơ tiềm ẩn rủi ro đối với các TCTD; vai trò cảnh báo hệ thống chưa phát huy được hiệu quả.

Mặt khác, việc lựa chọn đối tượng thanh tra tại Kế hoạch thanh tra chi tiết của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cũng chưa phù hợp. Hệ thống tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng NHNN chưa có giải pháp tiến hành thanh tra đồng bộ và kịp thời; không rà soát và phối hợp với kết quả giám sát từ xa để xây dựng kế hoạch. Điều này dẫn đến việc luôn phải điều chỉnh kế hoạch thanh tra hằng năm một cách bị động.

Chấn chỉnh công tác thanh tra, giám sát

Trước kết luận của Thanh tra Chính phủ, mới đây, NHNN đã có phản hồi, trong đó thẳng thắn thừa nhận công tác thanh tra, giám sát ngân hàng thời gian qua vẫn còn những hạn chế, bất cập. Để khắc phục những hạn chế này, NHNN đã báo cáo, tham mưu Thủ tướng Chính phủ trình Bộ Chính trị Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Ngày 19/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1058/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án này (Đề án 1058).

Hiện nay, NHNN đã, đang và sẽ tích cực, chủ động triển khai các giải pháp được nêu trong Đề án 1058. Cụ thể, NHNN đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và Chỉ thị số 32/CT-TTg triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14. Cùng với đó, NHNN đã ban hành một loạt các chỉ thị, thông tư liên quan đến trình tự, thủ tục thanh tra, giám sát ngân hàng. Đặc biệt, thời gian tới, NHNN tiếp tục tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD để trình Quốc hội thông qua nhằm ngăn ngừa sở hữu chéo, lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của TCTD.

Bên cạnh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, NHNN sẽ hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng; tăng cường năng lực, đạo đức thực thi công vụ của đội ngũ thanh tra, giám sát. Đồng thời, NHNN cũng sẽ chú trọng đến việc nâng cao khả năng cảnh báo sớm đối với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ vi phạm pháp luật của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời những sai phạm và rủi ro gây mất ổn định; thực hiện giám sát, phân tích, đo lường rủi ro để từ đó cảnh báo sớm các nguy cơ gây mất an toàn trong hoạt động; giám sát chặt chẽ việc thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD…

Diễn biến xét xử nhiều đại án ngân hàng thời gian qua cho thấy, nguyên nhân dẫn đến những sai phạm của các cá nhân cũng như các TCTD một phần là do sự thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ thanh tra, giám sát. Bởi vậy, mặc dù NHNN đã đề ra một loạt giải pháp, song điều mà dư luận quan tâm là những biện pháp này sẽ được triển khai thế nào trong thực tiễn để góp phần nâng cao chất lượng thanh tra, giám sát ngân hàng?.
NGỌC MAI
Theo Tuần Báo ra ngày 07-9-2017