Cải cách chính sách thu để cơ cấu lại ngân sách

Đối nội - Ngày đăng : 14:37, 23/07/2021

(BKTO) - Thống nhất với Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2019 song Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng chỉ ra thực tế: tuy kỷ luật kỷ cương tài chính - ngân sách có tiến bộ nhưng nhìn chung còn chưa nghiêm, sai phạm ở cả 3 khâu của chu trình ngân sách chưa được khắc phục triệt để. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ có giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN.


Xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm đối với sai phạm, hạn chế

Theo đó, các sai phạm trong chu trình ngân sách được Ủy ban Tài chính – Ngân sách chỉ ra như: giao dự toán thu, chi không sát; phân bổ vốn đầu tư chậm; các khoản thu quan trọng không đạt dự toán; kê khai thiếu thuế phải nộp vẫn diễn ra; giải ngân vốn đầu tư chậm; chi sai chế độ, định mức...

Bên cạnh đó, một số giải pháp đề ra chưa được thực hiện hoặc thực hiện hiệu quả chưa cao như: đổi mới cơ chế tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập, sắp xếp lại hoạt động các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách chậm; điều chỉnh chính sách thuế, mở rộng cơ sở thuế để cơ cấu lại NSNN chưa bảo đảm yêu cầu... Chính phủ cần nhìn nhận, phân tích, đánh giá nguyên nhân để có giải pháp phù hợp trong giai đoạn tiếp theo.                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo trước Quốc hội - Ảnh: quochoi.vn

   
Làm rõ hơn thực trạng trên, cơ quan thẩm tra nêu rõ, dự toán NSNN năm 2019 được xây dựng trong điều kiện kinh tế - xã hội trong, ngoài nước biến động khó lường nên việc dự báo sát thực tế là khó khăn. Tuy nhiên, thực hiện thu chênh lệch khá lớn, tăng 10,1% so với dự toán, thể hiện chất lượng dự báo và xây dựng dự toán hạn chế, đặc biệt là việc ước thu năm 2018 để xây dựng dự toán thu năm 2019 chênh lệch lớn so với thực hiện.

Số thu NSNN năm 2019 vượt dự toán thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện quản lý thu, cải cách hành chính trong quản lý thuế. Tuy nhiên, số tăng thu 2019 chủ yếu từ đất, tài nguyên và từ thu hồi vốn của Nhà nước.. thể hiện cơ cấu thu chưa bền vững, phụ thuộc nhiều các yếu tố thiếu ổn định, không thường xuyên.

“Hạn chế này diễn ra trong cả giai đoạn 2015-2019 nên cần xác định nguyên nhân, trách nhiệm để khắc phục trong giai đoạn tới” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường lưu ý.

Đặc biệt, năm 2019 được đánh giá là năm đạt nhiều kết quả tích cực về kinh tế nhưng có tới 4/7 khoản thu nội địa không đạt dự toán; số thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của 3 khu vực (khu vực DNNN, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài quốc doanh) năm thứ 3 năm liên tiếp không đạt dự toán. Bên cạnh đó, thu ngân sách Trung ương (NSTW) vượt dự toán song chỉ chiếm 56% tổng thu NSNN, thấp hơn mục tiêu đề ra (60-65%).

“Chính phủ cần đánh giá thực trạng, nguyên nhân và trách nhiệm để xảy ra các hạn chế này; có giải pháp phát triển 3 khu vực sản xuất kinh doanh, hoàn thiện chính sách thu của 3 khu vực đồng thời cơ cấu lại nguồn thu, rà soát lại việc phân chia ngân sách để bảo đảm vai trò chủ đạo của NSTW.
                
   

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục các hạn chế trong quản lý, sử dụng ngân sách, trong đó có việc giải ngân, sử dụng vốn đầu tư công - Ảnh minh họa: chinhphu.vn

   

Trong chi NSNN, cơ quan thẩm tra đặc biệt lưu ý, năm 2019, nhiều khoản chi thường xuyên quan trọng không đạt dự toán; riêng NSTW có 10/13 khoản chi không đạt, đặc biệt là chi sự nghiệp bảo vệ môi trường đạt quá thấp.

“Chính phủ đã giải trình nguyên nhân trong báo cáo nhưng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan (do dự toán chưa sát hoặc triển khai nhiệm vụ chậm). Vì vậy cần xác định rõ trách nhiệm và có giải pháp khắc phục” - ông Nguyễn Phú Cường nêu rõ.

Liên quan đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 chậm, trong đó chi đầu tư phát triển NSTW chỉ đạt 60% so với dự toán, theo cơ quan thẩm tra, nguyên nhân chính là do công tác giao vốn chưa bám sát vào tình hình thực tế của các dự án, quá trình điều hành và tổ chức thực hiện tại các Bộ, ngành, địa phương chưa linh hoạt, đúng quy định, phù hợp thực tiễn triển khai của từng dự án nên cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như trách nhiệm của các địa phương, Bộ, ngành liên quan để chấn chỉnh khắc phục.

Bên cạnh đó, các sai phạm trong hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư vẫn khá phổ biến, xảy ra ở hầu hết các khâu của quá trình đầu tư nên qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị giảm chi đầu tư 3.931 tỷ đồng. Đáng lưu ý, chi đầu tư NSTW từ nguồn vốn nước ngoài giảm mạnh, đạt tỷ lệ rất thấp (đến hết 31/1/2020, vốn ngoài nước giải ngân chỉ đạt 38,2% dự toán), làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam đối với các nhà tài trợ, giảm hiệu quả sử dụng và làm tăng chi phí quản lý vốn vay.

“Bất cập này đã kéo dài nhiều năm được nêu trong các báo cáo giám sát và các báo cáo kiểm toán nhưng chưa được khắc phục nên cần làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm để chấn chỉnh” - Báo cáo thẩm tra nêu.

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công chậm là một trong những nguyên nhân khiến bội chi NSNN năm 2019 bằng 2,67%GDP, giảm 60.509 tỷ đồng so với dự toán.

Xử lý dứt điểm các kiến nghị kiểm toán từ năm 2018 về trước

Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ có giải pháp nâng cao tỷ lệ thực hiện các kiến nghị của KTNN, xử lý dứt điểm các kiến nghị chưa được thực hiện từ năm 2018 về trước. Đồng thời, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân chưa hoặc không thực hiện các kiến nghị của KTNN.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập cho phù hợp với thực tiễn; khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, đảm bảo hiệu quả hoạt động của các quỹ, không trùng lặp nhiệm vụ của NSNN, tránh lãng phí, dàn trải và phân tán nguồn lực của Nhà nước.

Đáng lưu ý, cơ quan thẩm tra đề nghị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN so với quy định hiện hành để có thể trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm hiện hành vào kỳ họp cuối năm tiếp theo, bảo đảm thực hiện tốt vai trò, ý nghĩa của công tác quyết toán.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, Chính phủ cần có giải pháp để khắc phục những bất cập tồn tại trong quản lý điều hành ngân sách, đặc biệt lưu ý đến việc cải cách chính sách thu để cơ cấu lại ngân sách; xác định phân cấp ngân sách phù hợp để tăng tính chủ động cho các địa phương nhưng phải đảm bảo vai trò chủ đạo của NSTW. Đồng thời, chấn chỉnh quản lý chi đầu tư từ lập, phân bổ, giao dự toán đến thực hiện và quyết toán; rà soát lại chính sách nếu bất cập cần kiến nghị sửa đổi để quản lý chặt chẽ, hiệu quả các khoản chuyển nguồn, kết dư ngân sách địa phương; tiếp tục tăng cường kiểm soát bội chi, nợ công, trong đó ngoài việc khống chế trong giới hạn cho phép phải tính cả khả năng vay và khả năng trả nợ để giữ gìn tín nhiệm quốc gia và bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
ĐĂNG KHOA