Cần cân nhắc để đạt lợi ích tổng thể tốt nhất

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 15:50, 11/09/2017

(BKTO) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung 5 luật về thuế. Theo lộ trình cải cách thuế, cơ cấu lại nguồn thu cho phù hợp với tiến trình hội nhập, cắt giảm thuế quan, thì việc điều chỉnh tăng giảm một số sắc thuế, trong đó có tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) là việc phải làm để đảm bảo sự ổn định của ngân sách của nhà nước và phù hợp với hoạt động thực tiễn của các doanh nghiệp.



WB khuyến nghị giữ nguyên mức thuế suất thuế VAT ưu đãi cho các mặt hàng thiết yếu. Ảnh THANH HẢI


Có tăng, có giảm

Câu hỏi đặt ra là vì sao thời điểm này, Bộ Tài chính lại đưa ra đề xuất sửa đổi các luật về thuế?

Như đã biết, ngày 09/11/2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 25/2016/QH14 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, đưa ra mục tiêu từng bước cơ cấu lại thu NSNN. Đồng thời, đưa ra giải pháp để đạt được mục tiêu nêu trên là thực hiện các giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế, điều chỉnh phạm vi, đối tượng; rà soát, thu hẹp diện miễn, giảm thuế.

Ngày 18/11/2016, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, trong đó yêu cầu tập trung cơ cấu lại nguồn thu; hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường...Ngày 06/6/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016, theo đó dự án Luật này được giao Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch xây dựng dự án Luật trong quý III/2017...

Trao đổi với báo chí về việc Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi các luật thuế, GS.TS Vũ Văn Hiền - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - nói: “Tôi cho rằng việc sửa đổi về thuế là bình thường và hợp lý. Đây là việc nhằm thể chế hoá quan điểm, chủ trương, chính sách của Nhà nước thông qua việc tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Bộ Chính trị, Quốc hội và trong Chiến lược Cải cách thuế giai đoạn 2011-2020 đề ra, trên cơ sở cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, đảm bảo tăng trưởng nguồn thu NSNN trong trung và dài hạn, phù hợp với thông lệ quốc tế”.

GS.TS Vũ Văn Hiền chia sẻ: “Tất nhiên, mọi sự lựa chọn chính sách đều có hai mặt: được và mất. Chỉ có điều cần cân nhắc để đạt lợi ích tổng thể tốt nhất mà thôi. Trong bối cảnh thu ngân sách ngày càng khó khăn, nợ công cao thì việc đề xuất sửa đổi các luật thuế sẽ không dễ dàng vì có thể khiến cho người dân hoặc cộng đồng doanh nghiệp hiểu nhầm do khó khăn về ngân sách mới làm như vậy”.

“Tuy nhiên, theo tôi, Bộ Tài chính đang xây dựng chính sách trong đó có đề xuất tăng một số mức thuế nhưng cũng có cả mức giảm thuế và việc sửa các luật thuế. Như vậy đã có sự cân nhắc kỹ càng” - GS.TS Vũ Văn Hiền khẳng định.

Tăng thuế VAT, lo ngại đến đâu?

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, nhóm hàng có thuế suất VAT thông thường 10% sẽ tăng lên 12%; ở một số nhóm thuế suất ưu đãi 5%, một số mặt hàng giáo dục đã chuyển sang xã hội hóa từ 5% sẽ lên 10%, còn lại hầu hết tăng lên 6%.

Có ý kiến lo ngại, do tăng thuế, sức mua của người tiêu dùng giảm, chi tiêu cho gia đình giảm sẽ dẫn đến hàng hóa bị tồn đọng. Thêm nữa, giá hàng hóa tăng thì sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước sản xuất ra cũng sẽ giảm xuống, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích, dự kiến điều chỉnh thuế VAT của Bộ Tài chính chỉ ảnh hưởng đến các mặt hàng chịu thuế suất VAT thông thường và một số mặt hàng có thuế suất ưu đãi 5%. “Rất nhiều hàng hóa dịch vụ, đặc biệt các sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa thiết yếu đang được áp dụng mức thuế suất 0% hoặc 5%, chưa kể nhiều mặt hàng khác hiện nay vẫn thuộc diện không chịu thuế VAT, nói cách khác là không chịu tác động gì của việc điều chỉnh thuế suất phổ thông thuế VAT lần này” - chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính Bộ Tài chính, nhận định.

Ông Sebastian Eckardt - Chuyên gia kinh tế trưởng, Quyền Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB), tổ chức tài trợ chính cho nhiều dự án xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam - cho biết: “Theo tính toán của WB thì 20% hộ gia đình nghèo nhất chỉ trả khoảng 9% tổng số thu thuế VAT, trong khi đó, 20% hộ gia đình giàu nhất trả gần 40% tổng số thu thuế đó”.

“Điều này có nghĩa là nếu một hộ nghèo tiết kiệm được trung bình 10.000 đồng do thuế suất thuế VAT thấp thì hộ giàu tiết kiệm được 40.000 đồng. Vì vậy, thuế suất thuế VAT thấp thực sự mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo” - ông Sebastian Eckardt phân tích thêm.
WB cũng khuyến nghị giữ nguyên mức thuế suất thuế VAT ưu đãi cho các mặt hàng thiết yếu. Điều này sẽ làm giảm tác động tiêu cực của việc tăng thuế đối với người nghèo và phù hợp với xu hướng cải cách thuế của Bộ Tài chính.

Cũng theo đại diện WB, lo ngại tăng thuế tác động đến lạm phát là chính đáng, nhưng mức ảnh hưởng chưa đáng lo ngại với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

         
“Việc Bộ Tài chính xin ý kiến rộng rãi các tổ chức và nhân dân qua nhiều phương thức, cũng như qua các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy sự minh bạch, cầu thị của Bộ Tài chính trong phạm vi chức trách của mình. Bộ Tài chính cũng nên sớm đưa ra các báo cáo đánh giá tác động cụ thể, rõ ràng để dư luận hiểu rõ để có sự đồng thuận tốt hơn. Đồng thời, cần có các chính sách đồng bộ về quản lý chi tiêu chặt chẽ, các chính sách hỗ trợ kèm theo bảo đảm hiệu quả” - GS.TS Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

KIM THANH